Đã có thêm hạn mức tín dụng cho các ngân hàng nhưng không nhiều. Dư địa cho vay còn lại rất hạn chế trong khi nhu cầu vào mùa kinh doanh cao điểm…
Nhu cầu vốn tăng cao
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về các giải pháp phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp, sáng 7/9, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức điều chỉnh nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng thương mại.
Từ 3 – 4 tháng qua, hầu hết ngân hàng đều trong tình trạng hết hạn mức tín dụng và chỉ có thể giải ngân cho vay trên cơ sở thu nợ cũ. Trong khi đó, nhu cầu vay vốn của cá nhân, doanh nghiệp, tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2% là rất cao. Vì vậy, việc Ngân hàng Nhà nước vừa cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng được giới kinh doanh rất quan tâm.
Về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh trong 8 tháng qua, số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động tăng lần lượt trên 100% và trên 67% so với cùng kỳ. Đây đều là những con số tăng kỷ lục được ghi nhận trong 8 tháng.
Xét theo lĩnh vực cho vay, hoạt động thương mại và một số hoạt động khác đóng góp hơn 70% vào tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong nửa đầu năm.
Riêng tín dụng vào lĩnh vực bất động sản tăng trên 14% so với cuối năm ngoái. Trong đó, tín dụng đối với bất động sản kinh doanh chỉ tăng 8%, nhưng tín dụng bất động sản có mục đích sử dụng tăng trên 17%.
Nhu cầu vay cho hoạt động công nghiệp tăng khoảng 8% so với đầu năm.
Tín dụng vào các ngành nông nghiệp, xây dựng và vận tải ghi nhận sự phục hồi, lần lượt tăng 7,5%, 7,1% và 3,8% so với đầu năm.
Phân bổ hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp
Theo mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm là 14%, các tổ chức tín dụng từ nay tới cuối năm sẽ còn khoảng 460.000 tỷ đồng có thể giải ngân ra thị trường. Việc Ngân hàng Nhà nước giao thêm hạn mức tín dụng cho một số ngân hàng thuơng mại là tin vui đối với các doanh nghiệp để có thêm nguồn vốn cho phát triển sản xuất, kinh doanh.
Vietcombank là một trong hai nhà băng mà thị trường kỳ vọng có dư địa tăng trưởng cao nhất vừa được nới thêm 2,7% so với mức trần cũ là 15%. Như vậy, hạn mức tín dụng mới của cả năm là 17,7%. Hết tháng 8, nhà băng này đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm.
“Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam sẽ tiếp tục kiểm soát, tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, rủi ro tín dụng đảm bảo nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp”, ông Nguyễn Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành, Ngân hàng Vietcombank cho hay.
5 lĩnh vực ưu tiên trong chính sách tín dụng của Ngân hàng nhà nước bao gồm: Nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao. Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng hướng tới lĩnh vực bán lẻ.
Ngân hàng cũng là một doanh nghiệp, đương nhiên, không muốn bị giới hạn tăng trưởng. Tuy nhiên, cả hệ thống ngân hàng đều hiểu tầm quan trọng của việc ưu tiên kiểm soát lạm phát. Chính vì vậy, việc điều hành chính sách của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá cao trong thời gian qua.
“Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước rất kiên định, trong quá trình thực thi chủ động mang tính linh hoạt và có thể có điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế. Tôi đánh giá cao tính kiên định trong chính sách nhưng linh hoạt trong cách vận dụng và thực hiện chính sách của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua”, PGS.TS Trần Thọ Đạt – chuyên gia kinh tế cho hay.
Ngân hàng Nhà nước kiên định với mục tiêu trần tăng trưởng tín dụng cả năm của hệ thống quanh mức 14%, tại sao không nên tăng hơn 14%? Dư địa cho vay còn lại rất hạn chế trong khi nhu cầu vào mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, vậy cần phân bổ việc cho vay như thế nào? Làm sao để từng đồng cho vay hiệu quả, tránh rủi ro nợ xấu?
Xung quanh các vấn đề trên, chương trình Vấn đề hôm nay với sự tham gia của TS Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia đã có những phân tích và bình luận chi tiết.
Nguồn: cafef.vn