Về triển vọng dài hạn, ACBS cho rằng thị trường sẽ tiếp tục khởi sắc nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết.
Trong báo cáo mới công bố, Chứng khoán ACBS cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đà hồi phục nhờ lợi nhuận 6 tháng đầu năm tăng mạnh, kỳ vọng vào tăng trưởng GDP cao cho phần còn lại của năm 2022, doanh thu bán lẻ tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường được cải thiện sau khi có dấu hiệu lạm phát đạt hoặc gần đạt đỉnh sau khi các ngân hàng trung ương thắt chặt tiền tệ và CPI trong nước thấp sau khi giá xăng dầu giảm và việc nới room tín dụng cho các ngân hàng vừa được công bố cũng tác động tích cực cho thị trường chung.
Hiện tại, VN-Index đang giao dịch ở mức định giá hấp dẫn cho cả nhà đầu tư dài hạn và ngắn hạn với mức tăng trưởng thu nhập ước tính ở mức 19% cho năm 2022, 13% cho năm 2023, cao hơn mức trung bình của thị trường ASEAN và P/E dự phóng là 12,4 lần cho năm 2022 và 11 lần cho năm 2023, thấp hơn mức trung bình của các thị trường ASEAN trong năm 2022 và 2023.
Về triển vọng dài hạn, ACBS tin rằng các thị trường niêm yết của Việt Nam có vị thế tốt để tiếp tục phát triển cùng với nền kinh tế nói chung. Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận cao đến từ nền tảng kinh tế vĩ mô với triển vọng lạc quan trong dài hạn và sức khỏe tài chính của các công ty niêm yết.
Bên cạnh đó, làn sóng các hành động chống tham nhũng trên thị trường gần đây cũng sẽ có lợi cho sự phát triển bền vững lâu dài của thị trường. Sự gia tăng của tầng lớp trung lưu và tăng thu nhập khả dụng sẽ hỗ trợ tiêu dùng trong nước tiếp tục tăng trưởng, xu hướng chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam trong dài hạn và sự hội nhập ngày càng sâu rộng của đất nước vào nền kinh tế toàn cầu với 15 hiệp định thương mại song phương và đa phương tạo tiền đề cho nền kinh tế Việt Nam trong nhiều năm tới.
Đồng thời, Việt Nam cũng cam kết sẽ phát triển thị trường vốn và vấn đề chỉ là thời gian cho đến khi thị trường chứng khoán Việt Nam được MSCI nâng cấp thành thị trường mới nổi. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho một lượng lớn vốn nước ngoài đổ vào thị trường.
Măt khác, ACBS cũng nhấn mạnh vẫn có rủi ro lớn nhất mà nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt chủ yếu đến từ bên ngoài, với lạm phát toàn cầu tiếp tục ở mức cao và quyết định tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương khác tác động đến thị trường chứng khoán trên toàn thế giới trong ngắn hạn do các nhà đầu tư lo ngại tác động tiêu cực đến kinh doanh và tiêu dùng. Lãi suất Mỹ tăng thường khiến vốn nước ngoài rời khỏi các thị trường mới nổi do lợi suất tăng ở các thị trường phát triển, tuy nhiên cho đến nay chưa thấy có sự rút vốn mạnh ra khỏi thị trường khu vực hoặc Việt Nam.
Ba kịch bản cho VN-Index trong 3 tháng cuối năm
Dù số liệu lạm phát đã có dấu hiệu đạt đỉnh, nhưng lo ngại về lạm phát và hành động mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương dự kiến sẽ tiếp tục cho đến ít nhất là cuối năm, gây áp lực lên tâm lý trong ngắn hạn. ACBS cho rằng thị trường sẽ bình thường hóa vào năm 2023, còn những tháng cuối năm 2022 thị trường sẽ tiếp tục giao dịch quanh mức định giá như giai đoạn kể từ khi thị trường chuyển sang tâm lý bi quan từ tháng 4.
Trong kịch bản cơ sở, đội ngũ phân tích duy trì triển vọng thu nhập đạt 19% vào cuối năm 2022 được dẫn dắt bởi lĩnh vực ngân hàng, vận tải, bất động sản và tiện ích. Mặc dù thị trường dự báo sẽ khởi sắc trong ba tháng cuối năm trên cơ sở thu nhập doanh nghiệp ổn định và môi trường vĩ mô có thể duy trì quỹ đạo hiện tại trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn, song việc đạt được mức định giá trung bình của ba năm gần đây, tức là 15,5 lần, sẽ là một thách thức. Do đó chỉ số sẽ giao dịch tại mức khoảng 13,7 lần thu nhập (thấp hơn khoảng 1SD so với mức trung bình ba năm), tương đương với chỉ số khoảng 1.400 điểm vào cuối năm.
Trong kịch bản lạc quan dựa trên việc nối lại các chuyến bay quốc tế trên thế giới kết hợp với hiệu ứng tích cực từ gói tài chính tiền tệ của Việt Nam giúp cho thu nhập doanh nghiệp vượt kỳ vọng và tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn vào cuối năm khi các vấn đề thế giới và trong nước được giải quyết hoặc có dấu hiệu đáng kể cho thấy điều tồi tệ nhất đã qua. Dựa trên kịch bản đó, ACBS cho rằng chỉ số có thể đạt mức 1.500-1.600 điểm.
Trong kịch bản bi quan, ACBS thấy sự bất ổn và sợ hãi tiếp tục bao trùm các thị trường toàn cầu với lo ngại ngày càng tăng về lạm phát, cách các ngân hàng trung ương sẽ phản ứng nhanh và mạnh bằng cách tăng lãi suất và kinh tế giảm tốc ở Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng của chuỗi cung ứng toàn cầu, hoặc các biến thể mới của Covid-19 đe dọa các hoạt động kinh tế. Khi đó thu nhập giảm so với kỳ vọng của chúng tôi và định giá thị trường giảm do sự thờ ơ của các nhà đầu tư mới vốn đã ủng hộ thị trường trong thời gian gần đây. Trong kịch bản này, chỉ số nỗ lực để tăng điểm vào cuối năm và kết thúc ở mức khoảng 12,5 lần thu nhập để đưa chỉ số đến quanh mức 1.200 điểm.
Nguồn: cafef.vn