Giá xăng xuống thấp nhất từ đầu năm, cổ phiếu Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) cùng trôi về đáy

Giá xăng xuống thấp nhất từ đầu năm, cổ phiếu Petrolimex (PLX) và PV Oil (OIL) cùng trôi về đáy

Cổ phiếu PLX đã giảm gần 37% so với mức cao nhất từ đầu năm xuống sát đáy 2 năm xác nhận hồi giữa tháng 5 trong khi OIL cũng đang ở rất gần đáy một năm sau khi giảm gần 41% từ đỉnh.

PLX: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Sau khi đạt đỉnh vào cuối tháng 6, giá xăng dầu trong nước đã liên tục sụt giảm mạnh qua các kỳ điều chỉnh. Theo thống kê, giá xăng trong nước đã có 7 kỳ giảm trong vòng 2,5 tháng trở lại đây. Từ sau đợt điều chỉnh gần nhất (ngày 12/9), mỗi lít xăng RON 95-III đã giảm về 23.215 đồng và E5 RON 92 còn 22.231 đồng. Đây là mức thấp nhất kể từ đầu năm 2022.

Cùng chiều với xu hướng giảm của giá xăng dầu, cổ phiếu của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất cả nước là Petrolimex (mã PLX) và PV Oil (mã OIL) cũng trôi dần về vùng đáy bất chấp thị trường chung vừa có nhịp hồi phục khá tích cực.

Kết thúc phiên 12/9, PLX dừng ở mức 40.250 đồng/cổ phiếu, giảm gần 37% so với mức giá cao nhất từng đạt được từ đầu năm. Thị giá hiện tại của cổ phiếu này chỉ còn cao hơn đôi chút so với đáy hơn 2 năm xác nhận hồi trung tuần tháng 5. Trong khi đó, OIL cũng đang ở rất gần vùng đáy một năm với thị giá 12.700 đồng/cổ phiếu, thấp hơn gần 41% so với đỉnh lập được hồi đầu tháng 3 năm nay.

Vốn hóa thị trường của Petrolimex tương ứng bị thổi bay gần 28.400 tỷ đồng (~1,2 tỷ USD) từ đỉnh hồi cuối tháng 2, xuống còn 49.330 tỷ đồng. Tương tự, vốn hóa của PV Oil cũng đã giảm hơn 9.400 tỷ đồng sau hơn 6 tháng, xuống còn 13.800 tỷ đồng.

Theo ước tính, cả nước hiện có hơn 15.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, cung cấp hàng chục triệu tấn sản phẩm cho người tiêu dùng mỗi năm. Dù vậy, phần lớn thị trường xăng dầu Việt Nam vẫn nằm trong tay các doanh nghiệp nhà nước trong đó riêng 2 “ông lớn” Petrolimex và PV Oil nắm đến 70% thị phần. Do đó, giá xăng dầu giảm sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn thu của 2 doanh nghiệp này.

Trước đó, cả Petrolimex và PV Oil đều đã lập kỷ lục về doanh thu trong quý 2, tương ứng 84.400 tỷ đồng và 30.400 tỷ đồng, lần lượt tăng 81% và 130% so với cùng kỳ. Chỉ trong 3 tháng của quý 2, tổng doanh thu của 2 nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất thị trường đã xấp xỉ 115.000 tỷ đồng, tương ứng mỗi ngày thu về khoảng 1.250 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với việc giá xăng dầu giảm mạnh thời gian qua, khó có thể kỳ vọng doanh thu của 2 doanh nghiệp này sẽ tiếp tục phá kỷ lục trong quý 3. Thậm chí, doanh số của Petrolimex và PV Oil có thể sẽ tăng trưởng âm. Điều này nếu xảy ra sẽ gây áp lực lớn lên lợi nhuận của 2 nhà bán lẻ xăng dầu này, chưa kể đến việc phải trích lập dự phòng cho lượng tồn kho lớn.

Theo thống kê, tồn kho của 2 doanh nghiệp này đều đã tăng mạnh từ đầu năm 2022, thậm chí có thời điểm tồn kho của riêng Petrolimex đã vượt hơn 1 tỷ USD vào cuối quý 1. Mặc dù giảm gần 3.000 tỷ đồng trong quý 2 nhưng tồn kho của doanh nghiệp này vẫn ở mức rất cao hơn 21.500 tỷ đồng trong đó đã bao gồm trích lập dự phòng hơn 1.330 tỷ đồng. Với PV Oil, lượng tồn kho tiếp tục tăng trong quý 2 lên mức 5.335 tỷ đồng tuy nhiên doanh nghiệp này mới trích lập dự phòng vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng tại thời điểm 30/6.

Với việc cả giá dầu thế giới và giá xăng dầu trong nước đều giảm mạnh từ đầu quý 3, nhiều khả năng 2 doanh nghiệp này sẽ phải tăng trích lập dự phòng cho kỳ báo cáo tới đây. Điều này có thể sẽ “ăn mòn” lợi nhuận của cả Petrolimex và PV Oil.

Trước đó, Petrolimex đã bất ngờ lỗ “kỹ thuật” 141 tỷ đồng trong quý 2. Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân dẫn đến thua lỗ là do thực hiện trích lập dự phòng giảm giá hàng hóa tồn kho tại ngày 30/06/2022 căn cứ vào giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm lập báo cáo tài chính (20/07/2022).

Do giá xăng dầu trong nước biến động theo chiều hướng giảm sâu (trên 3.000 đồng/lít) dẫn đến phải trích lập bổ sung 1.104 tỷ đồng thay vì được hoàn nhập gần 156 tỷ đồng nếu căn cứ theo giá trị thuần có thể thực hiện được tại ngày khóa sổ 30/06/2022. Theo đó, giá vốn hàng bán trong kỳ tăng và lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn giảm tương ứng hơn 1.259 tỷ đồng.

Ngược lại, PV Oil lãi kỷ lục gần 510 tỷ đồng trong quý 2, tăng 87,5% so với cùng kỳ trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 403 tỷ đồng. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng thời điểm cuối quý 2 giá xăng dầu trong nước đang ở đỉnh cao của nhiều năm và PV Oil chỉ mới trích lập dự phòng con số rất nhỏ.

Có thể thấy, đà giảm giá xăng dầu trong nước thời gian gần đây đã được phản ánh một phần lên lợi nhuận của Petrolimex vào quý trước trong khi PV Oil vẫn hưởng lợi trọn vẹn từ giá bán tăng cao trong quý 2. Dù vậy, các “vệt xám” nhiều khả năng sẽ xuất hiện nhiều hơn trên bức tranh lợi nhuận cả 2 “đại gia” bán lẻ xăng dầu này trong quý 3 tới đây.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: