Hàng loạt công ty chứng khoán đã nhanh chóng cung cấp bảng giá lô lẻ giúp thuận tiện hơn trong việc theo dõi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua – bán.
Kể từ ngày 12/9/2022, nhà đầu tư đã bắt đầu được giao dịch lô lẻ trên sàn HoSE với việc có thể đặt lệnh giao dịch có khối lượng từ 1 đến 99 chứng khoán.
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, hàng loạt công ty chứng khoán như Vietinbank Securities (CTS), VPS, VDSC, DAS…đã nhanh chóng cung cấp bảng giá lô lẻ giúp thuận tiện hơn trong việc theo dõi, tạo điều kiện cho nhà đầu tư chủ động trong việc đặt lệnh mua – bán.
Việc áp dụng giao dịch lô lẻ được kỳ vọng sẽ thúc đẩy giá trị giao dịch tăng trưởng khi nhà đầu tư dễ dàng bán những chứng khoán lô lẻ còn lại trong tài khoản hoặc mua thêm chứng khoán lô lẻ cho tròn một lô giao dịch (lô chẵn). Đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường đang có sẵn đà hồi phục từ tháng 8 sau khi áp dụng chu kỳ thanh toán mới T+2. Theo các chuyên gia, thanh khoản có thể tăng khoảng 20-30% tùy thuộc vào mức độ hưng phấn của nhà đầu tư.
Tuy nhiên thực tế lại không được như kỳ vọng. Thanh khoản trong hai phiên đầu tiên áp dụng giao dịch lô lẻ lại trở nên tụt áp. Giá trị giao dịch khớp lệnh trong phiên 12/9 xuống mức thấp nhất kể từ 27/7, đạt hơn 10.000 tỷ đồng. Con số này sang tới phiên 13/9 cũng chỉ nhích lên gần 10.200 tỷ đồng, sụt giảm tương đối so với giá trị trung bình 15.000-18.000 tỷ đồng trong vài tuần trước đó. Chỉ số VN-Index cũng không còn giữ được sắc xanh mà đã quay đầu giảm hơn 1 điểm trong phiên 13/9 xuống 1.248,4 điểm.
Có thể thấy, dòng tiền vào chứng khoán gặp trở ngại một phần nào đến từ lo ngại lãi suất sẽ tiếp tục có xu hướng tăng thời gian tới. Lạm phát leo thang khiến Fed và các Ngân hàng Trung ương thế giới để ngỏ khả năng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ. Trong trường hợp Fed quyết định tăng lãi suất 0,75 điểm % tại kỳ họp tháng 9, thị trường tài chính toàn cầu có thể sẽ phản ứng và chứng khoán Việt Nam cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng.
Tuy nhiên, yếu tố trên có thể chỉ tác động trong ngắn hạn bởi thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có những lợi thế nhất định từ yếu tố nội tại để thu hút dòng tiền. Mới đây, hãng đánh giá tín dụng Moody’s cũng đã nâng xếp hạng của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2, với triển vọng “ổn định”. Theo đó, việc nâng xếp hạng phản ánh sức mạnh kinh tế của Việt Nam đang tăng lên so với các nước cùng nhóm. Khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế vĩ mô bên ngoài cũng được cải thiện. Những kết quả này cho thấy độ hiệu quả của chính sách đã được cải thiện.
Đồng quan điểm, Pyn Elite Fund cũng cho thấy niềm tin lớn vào thị trường Việt Nam. Quỹ ngoại này ước tính GDP quý 3 sẽ tăng trưởng 13%, tích cực hơn nhiều so với mức giảm 6% trong quý 3 năm trước. Đáng chú ý, dù kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ nhưng lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát, con số trong tháng 8 tiếp tục giảm xuống mức 2,9% so với cùng kỳ năm trước.
Về dài hạn, triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn được đánh giá khả quan nhờ vĩ mô ổn định và tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết ở mức cao. Thanh khoản thị trường cũng được kỳ vọng sẽ dần cải thiện khi dư địa tăng trưởng số lượng nhà đầu tư còn nhiều và chứng khoán vẫn được đánh giá là kênh đầu tư hấp dẫn.
Nguồn: cafef.vn