Với những diễn biến dự báo thiên về xu hướng tiếp tục “diều hâu” của FED, USD-Index đã vượt lên mốc cao lịch sử trên 20 năm và đi ngang ở đỉnh này.
Diễn biến nói trên của USD khiến tỷ giá USD/VND có thể có biến động khó lường hơn, dù các biến số đi kèm có phần rõ ràng hơn.
Thứ nhất, lạm phát vẫn được kềm chế ở mức thấp với giá năng lượng trong nước “hạ nhiệt”, tạo cơ sở cho tăng trưởng “đáng kinh ngạc” trong tháng 8/2022 của kinh tế Việt Nam”, theo đánh giá của các chuyên gia từ MSVN.
MSVN vừa đưa dự báo là lạm phát trung bình năm 2022 sẽ xuống còn 3,4% (từ +3,7% trước đó), do trung bình 8 tháng đầu năm 2022 chỉ ở mức 2,6%.
Thứ hai, dự báo tăng trưởng GDP cả năm 2022 được nâng lên 8% (từ +6,9% trước đây), chủ yếu dựa trên nền kinh tế có khả năng phục hồi tốt hơn trong quý 3/2022. Tăng trưởng GDP quý 4/2022 có thể sẽ vẫn tương đối mạnh mẽ.
Thứ ba, với thị trường xuất khẩu Việt Nam gắn bó sâu cùng thị trường Mỹ, những biến động từ Mỹ sẽ có ảnh hưởng không nhỏ. Trong đó, USD tăng mạnh, cũng là một trong những yếu tố chi phối diễn biến của cặp USD/VND.
Trong các chỉ số vĩ mô, tăng trưởng xuất khẩu mạnh mẽ, FDI giảm nhưng FDI sản xuất tăng do Việt Nam ở vị trí chính cho việc di dời chuỗi cung ứng, là những tín hiệu rất tích cực, hỗ trợ cho kinh tế và cả tỷ giá.
Ngoài ra, tuy kiều hối có dấu hiệu giảm nhẹ, nhưng lượng khách nước ngoài du lịch đến Việt Nam tăng mạnh, cũng được kỳ vọng bù đắp để tăng cung ngoại hối trong bối cảnh áp lực từ các đơn hàng thanh toán nhập khẩu xăng dầu không còn nặng như trước đây.
Dù diễn biến còn khó lường, tỷ giá USD/VND được kỳ vọng sẽ ổn dịnh hơn, VND sẽ tiếp tục giữ được tỷ lệ mất giá thấp so với đồng USD và so với mức mất giá của các đồng tiền khác trong khu vực.
Nguồn: cafef.vn