Không mua không bán gì cũng là đầu tư?

Không mua không bán gì cũng là đầu tư?

Thanh khoản thị trường chứng khoán kém sôi động cho thấy nhà đầu tư vẫn đang giữ tâm lý thận trọng chờ đợi những cơ hội. Tuy nhiên, lạm phát ở Mỹ vượt kỳ vọng lại một lần nữa dấy lên lo ngại về việc FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất, từ đó có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính. Trong bối cảnh đó, liệu chờ đợi có là hạnh phúc?

Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE), thanh khoản thị trường cổ phiếu tháng 08 ghi nhận giá trị giao dịch bình quân phiên trên 15.607 tỷ, con số này cùng kỳ năm trước là 38.075 tỷ đồng và tháng 1 đầu năm nay là 27.569 tỷ đồng. Thanh khoản giảm mạnh thể hiện tâm lý nhà đầu tư vẫn đang thận trọng.

Vừa qua, Bộ Lao động Mỹ có công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của nước này tăng 0,1% so với tháng 7, thay vì giảm 0,1% như nhiều dự báo trước đó của giới phân tích. Điều đáng lo ngại hơn là chỉ số lạm phát lõi (thước đo lạm phát nhưng không bao gồm những mặt hàng có mức độ biến động lớn như năng lượng và thực phẩm) đã tăng tới 0,6% so với tháng trước và tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này đã dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tiếp tục mạnh tay hơn trong việc kiềm chế bão giá. Tăng lãi suất và thắt chặt tiền tệ thường được biết đến như “kẻ thù” của thị trường chứng khoán. Trong bối cảnh đó, tâm lý nhà đầu tư lại có thêm những lý do để lo lắng.

Có phải quá lo lắng về việc FED tăng lãi suất?

Xoay quanh vấn đề này, tại chương trình Bí mật đồng tiền số 38: “Triển” theo kỳ Vọng, phát sóng trên VTV Digital ngày 14/9, bà Phạm Huyền Trang Giám đốc Phân tích Cổ phiếu Trung tâm Phân tích và Tư vấn Đầu Tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) có chia sẻ, số liệu CPI vừa công bố đêm qua của Mỹ có cao hơn so với các nhà phân tích đã dự báo trước đó.

Nguyên nhân chủ yếu là do cầu tiêu dùng tăng lên, cụ thể là dịch vụ, cụ thể là giá thuê nhà đã tăng rất mạnh mạnh trong tháng 8. Điều này dẫn đến khả năng cao FED sẽ tăng lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Thị trường đang hướng về khả năng cơ quan này có thể tăng lãi suất đến 100 điểm, sẽ khó có một kịch bản cho nền kinh tế Mỹ hạ cánh mềm. Ông Powell (Chủ tịch của FED) cũng đã thể hiện quan điểm rất cứng rắn trong việc kiểm soát lạm phát.

Việt Nam có các số liệu vĩ mô từ giờ đến cuối năm tốt hơn so với mặt bằng chung thế giới. Ví dụ như GDP, CPI tiếp tục được duy trì ở mức tốt. Tuy nhiên, tình hình trong nước cũng sẽ chịu những tác động nhất định bởi các diễn biến vĩ mô trên toàn cầu.

Thị trường cũng sẽ thận trọng trong mùa đông tới. Trong ngắn hạn, sẽ có thể có những nhịp phục hồi, sau khi FED tuyên bố tăng lãi suất.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó Tổng Giám đốc, kiêm Giám đốc đầu tư, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) cũng đồng tình với quan điểm lạm phát hiện tại ở Mỹ chủ yếu đến từ phía cầu, song chuyên gia có bổ sung, thị trường lao động Mỹ hiện đang thể hiện rất tốt. Khi tiền lương vẫn tiếp tục tăng, cầu trong nền kinh tế sẽ rất khó giảm. Một yếu tố nữa cần phải lưu ý đó là lãi suất thực tại Mỹ (chênh lệch giữa lãi suất danh nghĩa và lạm phát) vẫn còn đang âm mạnh, đồng nghĩa với việc rủi ro lạm phát vẫn còn rất lớn và khó có thể giải quyết được bão giá trong thời gian ngắn.

Phó Tổng Giám đốc VCBF cho rằng Cục Dự trữ Liên bang rất nhất quán trong chính sách chống lạm phát lại là một điều tích cực. Vì hiện nay kỳ vọng lạm phát 2 hay 10 năm tới vẫn còn ở mức trước Covid. Nhiều người vẫn đang tin tưởng việc FED có thể chống được lạm phát. Nếu cơ quan này để mất lòng tin ấy thì sẽ rất nguy hiểm.

Đánh giá về ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất lên tâm lý nhà đầu tư, bà Nga cho biết “điều này chắc chắn sẽ có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Bởi vì lãi suất cao và thắt chặt cung tiền luôn luôn là kẻ thù của thị trường chứng khoán”.

Chiến lược đầu tư nào thích hợp khi FED tăng lãi suất?

Theo chuyên gia từ SSI Research, thanh khoản xuống thấp thể hiện nhà đầu tư đang khá thận trọng và tiếp tục quan sát. Các ngân hàng trung ương rút tiền về cũng sẽ giảm lưu lượng tiền trên thị trường chứng khoán nói chung. Riêng Việt Nam vừa qua có triển khai thanh toán T+2, thị trường sẽ phải mất thời gian để làm quen với cơ chế giao dịch mới.

“Sau thông tin về lạm phát ngày hôm qua thì thị trường đã bắt đầu phản ánh thông tin về việc FED có khả năng cao tăng lãi suất. Sau đó, thị trường có thể có nhịp hồi khi mà các thông tin ngắn hạn về tăng lãi suất được phản ánh. Như đã chia sẻ trong dài hạn thị trường thế giới vẫn khá là xấu vì nguy cơ suy thoái đã khá rõ rệt. Việt Nam mặc dù các chỉ số vĩ mô tốt hơn nhưng cũng khó mà tránh khỏi bị ảnh hưởng vì thế thị trường sẽ đi theo hướng thận trọng. Về phía nhà đầu tư, không mua gì không bán gì cũng là đang đầu tư. Không nhất thiết lúc nào cũng phải mua bán”, bà Trang chia sẻ về chiến lược cho nhà đầu tư khi FED tăng lãi suất.

Giám đốc đầu tư của VCBF cũng cho biết, một trong những bí quyết thành công của công ty này có kiên nhẫn và chờ đợi. Bên cạnh đó, các quỹ thường sẽ không vướng phải vòng xoáy tâm lý hoặc có những giao dịch thường xuyên như nhà đầu tư cá nhân. Khi ra các quyết định mua hoặc bán, các định chế tài chính này còn phải dựa trên giá trị thực của công ty và có tầm nhìn dài hạn, đồng thời họ cũng có một danh mục rất đa dạng.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: