Theo đội ngũ phân tích WiGroup, doanh nghiệp có P/E thấp không đồng nghĩa với việc cổ phiếu đang được định giá rẻ.
Chỉ số P/E là chỉ số thể hiện thời gian thu hồi vốn trên 1 đồng vốn đầu tư. Theo lý thuyết, nếu P/E của doanh nghiệp càng cao thì nhà đầu tư mất nhiều thời gian hơn để thu hồi vốn và ngược lại P/E thấp thì nhà đầu tư mất ít thời gian hơn để thu hồi vốn. Tuy nhiên, có phải lúc nào doanh nghiệp có P/E thấp thì cổ phiếu đó đang được định giá rẻ? Trả lời cho câu hỏi này, đội ngũ WiGroup đưa ra 3 yếu tố nhận diện.
Thứ nhất, để biết doanh nghiệp đó có đang được định giá ở mức rẻ hay đắt nhà đầu tư cần phải nhìn vào P/E forward chứ không phải nhìn vào P/E hiện tại. Cụ thể, P/E forward phụ thuộc vào triển vọng tăng trưởng lợi nhuận trong tương lai của doanh nghiệp. Bởi vì chỉ số P/E là chỉ số được tính toán dựa trên công thức Price/Earning per share.
“Nếu như P/E đang ở mức thấp, giá cổ phiếu không thay đổi hoặc tăng trưởng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng về lợi nhuận của doanh nghiệp trong tương lai thì doanh nghiệp đang được định giá rẻ. Và ngược lại, nếu như trong tương lai doanh nghiệp không có sự tăng trưởng về lợi nhuận, dẫn đến P/E sẽ tăng và doanh nghiệp được định giá ở mức đắt”, đội ngũ phân tích WiGroup đánh giá.
Đưa ra ví dụ với cổ phiếu HSG của CTCP Tập đoàn Hoa Sen, P/E của HSG trong quá khứ dao dịch trung bình quanh mức 8 lần và hiện tại P/E của doanh nghiệp đang ở mức khoảng 5 lần. Tuy đây là mức P/E thấp nhất của mã này trong nhiều năm trở lại đây, song không thể chỉ nhìn chỉ số này để đánh giá HSG thực sự hấp dẫn để đầu tư. Nhìn vào kết quả kinh doanh trong quý 3/2021, doanh thu HSG vẫn có sự tăng trưởng nhưng lợi nhuận công ty đã bắt đầu sụt giảm và đến quý 1/2022, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận cùng sụt giảm.
Do đó, nếu như trong tương lai doanh nghiệp tiếp tục gặp khó và lợi nhuận sụt giảm, dẫn đến chỉ số P/E sẽ tăng trong trường hợp giá cổ phiếu không thay đổi thì doanh nghiệp sẽ không còn ở mức định giá rẻ.
Thứ hai, tùy thuộc vào đặc điểm của các ngành nghề như hàng rào gia nhập ngành, mức độ phức tạp của ngành nghề, trình độ công nghệ,… doanh nghiệp sẽ có mức định giá khác nhau. Đưa ra quan điểm cho vấn đề này, chuyên gia WiGroup cho rằng các doanh nghiệp hoạt động trong ngành có rào cản gia nhập ngành thấp thì doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với áp lực giảm lợi nhuận trong tương lai là lớn. Ngược lại rào cản gia nhập ngành cao thì các đối thủ cạnh tranh khó có thể gia nhập vào thị trường, dẫn đến lợi nhuận của doanh nghiệp có xu hướng ổn định hơn.
Do đó, nhà đầu tư phải trả cho doanh nghiệp với một mức định giá cao hơn. Ví dụ đối với ngành điện, nước, dầu khí, hàng không, ngân hàng,… có rào cản gia nhập thị trường lớn hơn. Ngoài ra, đối với những ngành có tính chu kỳ thấp như ngành phân bón, thủy sản, tiêu dùng,… thường có mức P/E thấp hơn.
Thứ ba, vị thế của doanh nghiệp trong ngành. Đội ngũ phân tích cho rằng, với những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh cao so với đối thủ trong ngành như về quy mô, thương hiệu, chi phí,…thì thường sẽ được trả với mức P/E cao hơn so với những doanh nghiệp có lợi thế cạnh tranh thấp hơn. Hơn nữa, nếu như doanh nghiệp hoàn thiện thêm cả về chuỗi giá trị hoặc gia nhập vào một phân khúc mới thì doanh nghiệp sẽ có cơ hội tăng trưởng cả về lợi nhuận và chỉ số P/E.
Đưa ra ví dụ với ngành dệt may đi từ chuỗi giá trị may mặc từ khâu cắt may (CMT) cho đến khâu thương hiệu (OBM), WiGroup cho rằng đối với những doanh nghiệp nằm ở khâu CMT sẽ có biên gộp thấp hơn so với khâu FOB, ODM,… Cụ thể, đối với MSH có tỷ trọng hàng may mặc FOB cao nhất ngành, dẫn đến biên lợi gộp tốt nhất. Do đó, MSH sẽ phải có mức định giá cao hơn so với doanh nghiệp cùng ngành may mặc.
Nguồn: cafef.vn