Với áp lực từ chứng khoán thế giới, thị trường trong nước có thể còn giảm về vùng hỗ trợ 1.180 điểm trước sau đó phục hồi khi các dữ liệu vĩ mô quý 3 được đánh giá là tích cực do nền so sánh thấp.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một “Black Monday” với sắc đỏ bao trùm trên hầu hết các nhóm cổ phiếu. VN-Index đóng cửa tại 1.205,43 điểm, giảm 28,6 điểm (-2,32%) và đưa Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất Châu Á phiên đầu tuần. Vốn hóa thị trường tương ứng bị “thổi bay” gần 114.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD) còn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng.
Giao dịch vẫn khá thận trọng với giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt 14.900 tỷ đồng, chỉ nhích nhẹ so với phiên trước. Điểm sáng hiếm hoi đến từ giao dịch của khối ngoại khi trở lại mua ròng 133 tỷ đồng trên toàn thị trường. Riêng sàn HoSE, nhà đầu tư nước ngoài đã chấm dứt chuỗi 4 phiên bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng 148 tỷ đồng.
Nhận định về xu hướng thị trường trong những phiên tới, nhiều CTCK đã đưa ra quan điểm thận trọng:
Tiếp tục quán tính giảm điểm
CTCK KBSV: VN-Index tiếp tục có một phiên lao dốc mạnh với thanh khoản tăng đột biến. Lực bán áp đảo quanh vùng giá thấp khiến cho chỉ số đánh mất vùng hỗ trợ đáng lưu ý quanh 1.220 điểm, tương ứng với MA50, và trạng thái của thị trường hiện đã trở nên tiêu cực hơn.
KBSV dự báo VN-Index sẽ tiếp tục quán tính giảm điểm trong phiên tiếp theo và lùi về vùng hỗ trợ gần quanh 1.18x trước khi có khả năng xuất hiện một nhịp hồi kỹ thuật tại đây. Nhà đầu tư được khuyến nghị bán hạ tỷ trọng các vị thế ngắn hạn trong các nhịp hồi sớm và khống chế tỷ trọng ở mức an toàn.
Có thể giảm về vùng hỗ trợ 1.180 điểm
Chứng khoán MBS: Tâm điểm của chứng khoán thế giới dồn vào phiên giữa tuần này khi Fed nâng lãi suất. Nhà đầu tư đang lo ngại quan điểm cứng rắn của Fed sẽ tác động mạnh đến thị trường tài chính. Bên cạnh đó, đà giảm của thị trường trong nước còn đến sau chuỗi giảm 3 tuần liên tiếp trước đó khiến áp lực bán gia tăng.
Kể từ đỉnh gần nhất, VN-Index đã giảm gần 100 điểm (-7,1%), qua đó xóa sạch thành quả trong tháng 8, ngưỡng 1.200 điểm cũng là mức Fibonacci 61,8% của nhịp tăng kể từ đầu tháng 7 vừa qua. Với áp lực từ chứng khoán thế giới, thị trường trong nước có thể còn giảm về vùng hỗ trợ 1.180 điểm trước sau đó phục hồi khi các dữ liệu vĩ mô quý 3 được đánh giá là tích cực do nền so sánh thấp.
Nhịp điều chỉnh chưa kết thúc
Chứng khoán VCBS: Các chỉ báo đồng loạt cho tín hiệu tiêu cực khi MACD và RSI đều đang hướng xuống khu vực quá bán. Đồng thời chỉ báo ADX và DI- có xu hướng dâng lên cao, báo hiệu nhịp điều chỉnh vẫn chưa thể kết thúc.
Trong trường hợp áp lực bán vẫn tiếp tục duy trì, chỉ số chung vẫn có xác suất giảm dưới 1.200. VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư chủ động lên kế hoạch cơ cấu lại danh mục, hạn chế bán tháo khi cổ phiếu đã về vùng hỗ trợ cứng và chỉ duy trì tỉ trọng cổ phiếu ở mức 30% đối với nhà đầu tư ngắn hạn.
Kiểm định vùng hỗ trợ 1.190 – 1.200 điểm
Chứng khoán SSI: Trước thềm cuộc họp chính sách của Fed, hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới đều đi xuống. Theo quán tính giảm, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ kiểm định lại vùng hỗ trợ gần 1.190 – 1.200 điểm trong phiên tới. Nếu cân bằng từ khu vực này, có thể sẽ xuất hiện một nhịp hồi phục trên chỉ số với vùng mục tiêu gần là 1.220 điểm. Ngược lại, chỉ số có thể sẽ tiếp tục thoái lui và tìm điểm cân bằng quanh vùng đáy hình thành vào đầu tháng 7 (1.150 – 1.160 điểm).
Đi vào vùng quá bán ngắn hạn trong 1-2 phiên tới
Chứng khoán SHS: Sau hai tuần giảm điểm, VN-Index tiếp tục giảm điểm mạnh trong phiên đầu tuần khi không giữ được vùng hỗ trợ quanh đường MA50 và vùng đáy cũ 1.228 điểm (mức thấp nhất ngày 09/9 và 14/09/2022). SHS cho rằng xu hướng ngắn hạn của VN-Index tiếp tục suy yếu. Với áp lực bán hiện tại, VN-Index có rủi ro tiếp tục điều chỉnh về vùng 1.175 – 1.200 điểm, đi vào vùng quá bán ngắn hạn trong 1-2 phiên tới và có thể phục hồi trở lại.
Nguồn: cafef.vn