Ngân hàng Nhà nước vừa hút ròng gần 60.000 tỷ đồng

Ngân hàng Nhà nước vừa hút ròng gần 60.000 tỷ đồng

SSI nhận định, NHNN đang có xu hướng điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng duy trì ở mức vừa đủ, không còn quá dồi dào như giai đoạn năm 2020-2021 nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND phù hợp và có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới đây, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết trái ngược với diễn biến trong tuần trước đó, thanh khoản hệ thống được cải thiện đáng kể tuần qua (12-16/9/2022) và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bất ngờ sử dụng công cụ phát hành tín phiếu nhằm điều tiết thanh khoản trên thị trường.

Cụ thể, NHNN đã phát hành 44,6 nghìn tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất phát hành đã được đẩy lên 4% (tăng 130 điểm cơ bản so với trước đó). Nghiệp vụ mua kì hạn 7 ngày cũng được sử dụng đều đặn với khối lượng trung bình hàng ngày đạt 1 nghìn tỷ đồng (giảm từ mức gần 15 nghìn tỷ đồng) và lãi suất tăng nhẹ lên 4,6% (tăng 10 điểm cơ bản). Kết tuần, NHNN đã hút ròng tổng cộng 59,6 nghìn tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở.

Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm duy trì ổn định quanh mức 4,5% (giảm 40 điểm cơ bản) và kỳ hạn 1 tuần – 1 tháng hạ nhiệt xuống còn 4,8% – 5,2%.

SSI cho rằng NHNN đang có xu hướng điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng duy trì ở mức vừa đủ, không còn quá dồi dào như giai đoạn năm 2020-2021 nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND phù hợp và có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá.

Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá USD/VND tuần qua ghi nhận mức tăng mạnh khi đồng USD tiếp tục mạnh lên trên toàn cầu.

Số liệu lạm phát của Mỹ được công bố trong tuần qua đã đem đến nhiều biến động lớn cho thị trường. Chỉ số giá tiêu dùng CPI trong tháng 8 của Mỹ đã bất ngờ tăng 0,1% so với tháng trước – trái với dự báo giảm nhẹ -0,1%. CPI cơ bản thậm chí ghi nhận mức tăng mạnh 0,6% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,3% theo dự báo. Điều này cho thấy các dữ liệu về lạm phát vẫn đang trên đà tăng trên phạm vi rộng và dài hơn dự báo và sẽ tác động mạnh tới các quyết định về chính sách tiền tệ của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed). Ngay lập tức, thị trường đã bắt đầu định giá việc Fed sẽ tăng tới 100 điểm cơ bản trong các cuộc họp tiếp theo và nâng mức lãi suất kỳ vọng lên 4,5%-5,0%, từ mức 4,0% trước đó. Đồng USD tăng mạnh trong tuần trước, với mức tăng 0,7% của chỉ số DXY.

Các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD như GBP -1,46%; EUR -0,26%, JPY -0,32%. Đồng tiền của các quốc gia trong khu vực cũng giảm mạnh như TWD -1,37%, THB -1,24%, PHP -1,03%, MYR -0,83%,…

Trong tuần này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed sẽ có cuộc họp về chính sách tiền tệ và theo dự báo của CME, có 80% khả năng Fed sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản, và 20% khả năng tăng tới 100 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này.

Trong nước, tỷ giá USD niêm yết tại Vietcombank tăng 90 đồng cho cả 2 chiều mua vào/bán ra trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng tuần qua ở mức 23.650 VND/USD, tương đương tăng 0,57% so với cuối tuần trước. Nhìn chung, mức biến động này vẫn trong tầm kiểm soát, khi đầu tuần trước NHNN đã điều chỉnh mức giá bán trên Sở GDNHNN lên 23.700 VND/USD.

Về cuối năm, nhóm phân tích kỳ vọng nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất – nhập khẩu, và kiều hối. Trong năm 2022 sức ép lên tỷ giá vẫn còn, nhưng có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của FED có thể đi vào giai đoạn cuối, và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: