Dòng tiền vào thị trường gặp trở ngại trong ngắn hạn do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài. Dù vậy, triển vọng dài hạn của ngành chứng khoán vẫn lạc quan nhờ dư địa phát triển số lượng nhà đầu tư còn nhiều, thị trường vốn dần hoàn thiện, câu chuyện nâng hạng,…
VND: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam
Xem hồ sơ doanh nghiệp
Sau phiên đầu tuần giảm mạnh Châu Á, thị trường chứng khoán đã hồi phục khá tích cực với sắc xanh trải rộng trên hầu hết các nhóm cổ phiếu. Mặc dù rung lắc mạnh nhưng VN-Index vẫn đóng cửa cao nhất phiên với mức tăng 13,5 điểm (+1,12%) lên 1.218,93 điểm.
Hầu hết các công ty chứng khoán đều có chỉ số beta cao, nghĩa là cổ phiếu của các doanh nghiệp này thường giảm mạnh hơn khi thị trường bước vào xu hướng giảm và ngược lại. Do đó, không bất ngờ khi nhóm chứng khoán tiếp tục tiên phong dẫn dắt trong nhịp hồi lần này. Các cổ phiếu VND, SSI, HCM, MBS, VDS, BSI, CTS,… đều đã đồng loạt tăng mạnh, thậm chí một số cái tên tăng trên 5%.
Trước đó, cùng xu hướng đi xuống của thị trường, phần lớn cổ phiếu nhóm chứng khoán đã giảm mạnh và đánh mất thành quả tăng giá trong tháng 8. So với thời điểm đạt đỉnh, những cái tên như VND, SSI, MBS, HCM, SHS,… đều đã giảm khoảng 50-60% thị giá. Do đó, dòng tiền bắt đáy nhập cuộc khi cổ phiếu đã chiết khấu sâu và lùi về ngưỡng hỗ trợ cứng cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, việc nối dài nhịp hồi không đơn giản với nhóm chứng khoán đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản thị trường chưa có sự cải thiện nào đáng kể sau khi áp dụng chu kỳ thanh toán mới T+2, thậm chí còn có dấu hiệu thụt lùi. Ngay phiên vừa qua, dù rung lắc mạnh, giá trị khớp lệnh trên HoSE cũng chỉ đạt chưa đến 9.600 tỷ đồng, thấp nhất trong gần 2 tháng kể từ phiên 27/7.
Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường sau 2 phiên giảm mạnh phần nào đã khiến giao dịch kém sôi động. Thực tế, thanh khoản thị trường đã có xu hướng chững lại từ đầu tháng 9 sau khi phục hồi khá tích cực trong tháng 8 trước đó. Giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE tính từ đầu tháng 9 đến nay đã giảm khoảng 16% so với tháng trước, xuống mức 11.800 tỷ đồng.
Theo một số đánh giá, nguyên nhân chủ yếu đến từ lo ngại trước các tác động từ bên ngoài có thể ảnh hưởng tiêu cực đến chứng khoán Việt Nam. Thị trường tài chính toàn cầu đang “nín thở” đợi động thái tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tại kỳ họp định kỳ tháng 9 diễn ra trong tuần này.
Trong cuộc khảo sát của Bloomberg, giới chuyên gia kinh tế nhận định Fed sẽ phát tín hiệu cứng rắn hơn trong cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ sắp tới và lãi suất cơ bản của Fed đến tháng 12 sẽ tăng lên mức 4% và sẽ duy trì ở mức cao trong suốt năm 2023. Theo khảo sát này, Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm % lần thứ 3 liên tiếp và với bước nhảy này, lãi suất cơ bản của Fed sẽ tăng lên ngưỡng 3-3,25%.
Theo dữ liệu của CME Group, giới đầu tư đã hoàn toàn loại bỏ phương án tăng 0,5 điểm % sau báo cáo lạm phát tháng 8, thay vào đó đánh giá có 20% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất hơn 1 điểm %. Việc Fed tiếp tục tăng tốc hút tiền sẽ tác động mạnh đến dòng vốn đổ vào các tài sản tài chính có rủi ro cao như chứng khoán và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Dư địa tăng trưởng vẫn còn nhiều
Dù còn nhiều khó khăn trong ngắn hạn nhưng triển vọng dài hạn của ngành chứng khoán vẫn được đánh giá lạc quan. Maybank IBG Research kỳ vọng thanh khoản sẽ sớm hồi phục khi những thông tin về thắt chặt chính sách quản lý lắng xuống trong quý 4, thời điểm Chính phủ hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường vốn (thông qua Nghị định 153 sửa đổi, Thông tư 39,…).
Trong bối cảnh những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu vẫn đang tiếp diễn, thanh khoản trên TTCK đã giảm về gần mốc của năm 2018, thời điểm VN-Index giao dịch dưới P/E bình quân 5 năm 2 độ lệch chuẩn, mức thấp nhất trong lịch sử. Vì vậy, Maybank IBG Research kỳ vọng điểm đảo chiều đang gần kề đối với TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, TTCK Việt Nam hiện đang giao dịch ở mức định giá bị chiết khấu so với các nước trong khu vực bất chấp ghi nhận tăng trưởng GDP cao hơn, tạo dư địa lớn cho tăng trưởng vốn hóa và thanh khoản.
Ngoài ra, với 6,3 triệu tài khoản chứng khoán đã mở (>97% là khách hàng cá nhân), tỷ lệ thâm nhập TTCK ở Việt Nam hiện tại đạt chưa đến 6% trên tổng dân số 100 triệu người (so với Thái Lan là 9%, Đài Loan 90%). Vì thế, dư địa phát triển vẫn còn dồi dào khi giai đoạn vàng của ngành mới trải qua phân nửa. Maybank IBG Research kỳ vọng số lượng mở mới của khách hàng tổ chức sẽ tăng nhanh khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong 3-5 năm tới. Thanh khoản và vốn hóa thị trường cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục tăng.
Hầu hết các CTCK đều đang tập trung tranh giành thị phần môi giới cá nhân và xây dựng mạng lưới khách hàng. Với số lượng tài khoản mới của khách hàng cá nhân vẫn tăng mạnh và triển vọng nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi MSCI đang đến gần hơn, Maybank IBG Research cho rằng cuộc đua giành thị phần của các CTCK sẽ mang lại những phần thưởng to lớn cho những tổ chức thắng cuộc.
Cơ hội là to lớn, tuy nhiên sự cạnh tranh đang ngày càng khốc kiệt do các CTCK đầu ngành liên tục tăng cường lợi thế cạnh tranh bằng cách mở rộng quy mô. Theo Maybank IBG Research, những CTCK có mạng lưới khách hàng rộng lớn sẽ trở thành những ngôi sao sáng trong ngành.
Ngoài ra, xu hướng hợp nhất thị trường sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai và thị phần sẽ tiếp tục dồn về phía các CTCK hàng đầu. Do đó, các CTCK này sẽ đạt tốc độ tăng trưởng nhanh hơn, nhờ quy mô thị trường mở rộng và sự hợp nhất thị trường.
Nguồn: cafef.vn