Theo đánh giá của Thủ tướng, làm con đường này mất khoảng vài nghìn tỷ nhưng lúc hoàn thành sẽ mang lại hàng trăm nghìn tỷ đồng.
Ngày 8/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn công tác Trung ương làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình về tình hình kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị năm 2021 và 4 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.
Nhiều thành tựu đáng chú ý của Thái Bình
Trong buổi làm việc này, báo cáo của tỉnh Thái Bình cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nhưng trong năm 2021, tỉnh Thái Bình vẫn ghi nhận sự ổn định cơ bản và tăng trưởng khá trong kinh tế.
Cụ thể, tổng sản phẩm (GRDP) năm 2021 tăng 6,68% (đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố), quý I/2022 tăng 7,44% (đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố).
Trong 4 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 16,9%; kim ngạch xuất khẩu tăng 28,2%, kim ngạch nhập khẩu tăng 37,8% (chủ yếu là nguyên vật liệu cho sản xuất); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,5% (riêng tháng 4 tăng 17,8%) so với cùng kỳ.
Môi trường đầu tư được cải thiện, tỉnh đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn. Năm 2021 đã thu hút được 89 dự án với tổng số vốn 20.041 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2020, đặc biệt đã thu hút được 7 dự án FDI với tổng số vốn gần 540 triệu USD, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút FDI (lớn hơn tổng số vốn đầu tư FDI của cả giai đoạn 2016-2020).
4 tháng đầu năm 2022, có 33 dự án đầu tư được chấp thuận/điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng số vốn tăng thêm 13.822,8 tỷ đồng, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ.
Tổng thu ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 22.020 tỷ, trong đó thu nội địa đạt 10.534,3 tỷ đồng, lần đầu tiên vượt mốc 10.000 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2022 ước đạt 10.580,3 tỷ đồng tăng 65,5% so với cùng kỳ; trong đó thu nội địa ước đạt 3.325,8 tỷ đồng bằng 39,3% dự toán tăng 63,9% và thu thuế xuất nhập khẩu ước thực hiện 1.060 tỷ đồng đạt 66,3% dự toán, tăng 176,5% so với cùng kỳ.
Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm ước đạt 35% kế hoạch thuộc tốp đầu và cao hơn bình quân chung của cả nước (18,48%).
Vẫn còn những thách thức
Mặc dù ghi nhận nhiều thành tựu quan trọng nhưng chưa phát huy được tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý do hạn chế về hạ tầng giao thông kết nối liên vùng. Tỉnh chưa có định hướng rõ nét về phát triển kinh tế biển.
Tỉnh chưa phát hiện được đúng mức tiềm năng dân cư và con người, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động lành nghề còn hạn chế.
Ngành nông nghiệp chuyển biến chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, truyền thống, điều kiện phát triển nông nghiệp. Việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung và vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, chăn nuôi theo chuỗi liên kết chưa nhiều. Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hạn chế.
Kiến nghị đột phá của tỉnh
Để thực hiện mục tiêu tăng trưởng GRDP năm 2022 đạt 9% trở lên và giai đoạn 2021-2025 đạt từ 10% trở lên, Thái Bình đã đưa ra nhiều biện pháp như phát triển nhanh khu kinh tế Thái Bình thành động lực, đột phá; đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, liên kết vùng như tuyến đường bộ ven biển, cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng; triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, cơ cấu lại ngành công nghiệp; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh…
Tỉnh nêu một số kiến nghị liên quan tới việc xây dựng tuyến cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình – Hải Phòng; phương án lấn biển để mở rộng quỹ đất; chỉ tiêu sử dụng đất khu công nghiệp; thành lập một số khu công nghiệp mới trong Khu kinh tế Thái Bình; bổ sung quy hoạch phát triển điện gió, điện khí LNG tỉnh Thái Bình trong Quy hoạch điện VIII; một số chính sách với người có công trên địa bàn…
Kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Qua nhiều thế hệ, Thái Bình đã vượt qua chính mình, tuy nhiên, tỉnh chưa có phát triển đột phá rõ nét. Tỉnh phải vượt qua chính mình hơn nữa, với khát vọng hơn nữa, quyết tâm hơn nữa.
Tỉnh có đủ điều kiện để phát triển hơn nữa với con người thông minh, cần cù, anh dũng, truyền thống văn hóa, lịch sử, cách mạng vẻ vang của “quê lúa, đất nghề, chị Hai năm tấn… Nguồn lực lớn nhất là con người thì Thái Bình có, phải khai thác, phát huy hiệu quả hơn”.
Đồng thời, Thủ tướng cho biết, bên cạnh việc phát triển nông nghiệp là trụ cột, Thái Bình cần phải tập trung mọi nguồn lực cho tuyến đường ven biển có vai trò rất quan trọng. Tinh thần là làm càng sớm càng tốt để góp phần kết nối liên vùng, mở cửa ra biên giới, kết nối quốc tế, tạo đường ra thuận tiện cho hàng hóa và con người, thúc đẩy Khu kinh tế Thái Bình, tạo không gian phát triển mới, tạo động lực phát triển mới, tạo công ăn việc làm, thu hút đầu tư.
“Làm con đường này chỉ mất khoảng vài nghìn tỷ đồng đầu tư, nhưng lúc hoàn thành sẽ mang lại hàng trăm nghìn tỷ đồng khi giá trị đất đai lên cao, các nhà đầu tư đưa nguồn vốn tới”, Thủ tướng nói.
Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nghiên cứu, xác định những khu vực biển phải bảo tồn, những nơi có thể lấn biển, xây dựng, hoàn thiện dự thảo Nghị định về hoạt động lấn biển. Cùng với đó, Thủ tướng cũng bày tỏ ủng hộ việc bổ sung quy hoạch điện khí LNG tỉnh Thái Bình trong Quy hoạch điện VIII.
Nguồn: cafef.vn