10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: CFV tăng trần 23 phiên liên tiếp

10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: CFV tăng trần 23 phiên liên tiếp

CFV, VHH và BMN là 3 cổ phiếu tăng giá trên 90% chỉ trong một tuần giao dịch.

CFV: Công ty cổ phần Công Nghiệp cao su Miền Nam

Giá hiện tại
39.9
Thay đổi

Xem hồ sơ doanh nghiệp

Thị trường chứng khoán tiếp tục đi xuống trong tuần giao dịch từ 12-16/9, trong đó, giao dịch diễn ra thận trọng hơn do là tuần đáo hạn phái sinh, các quỹ ETF thực hiện đảo danh mục, bên cạnh đó thông tin lạm phát của Mỹ trong tháng 8 cao hơn dự kiến và chứng khoán Mỹ giảm mạnh ngày 13/9 cũng tác động tới tâm lý chung của nhà đầu tư.

Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index đứng ở mức 1.234,03 điểm, giảm 14,75 điểm (-1,18%) so với tuần trước. Tương tự, HNX-Index giảm 11,75 điểm (-4,13%) xuống 272,88 điểm, UPCoM-Index giảm 1,18 điểm (-1,3%) xuống 89,46 điểm.

Khá nhiều nhóm ngành cổ phiếu biến động tiêu cực trong tuần vừa qua. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường có đến 21 mã giảm giá, trong khi số mã tăng là 8. Đứng đầu danh sách giảm giá ở nhóm này là SAB của Sabeco ( HoSE: SAB ) với gần 4,4%. Các cổ phiếu ngân hàng có biến động khá tiêu cực, trong đó, TCB của Tecombank ( HoSE: TCB ) giảm 4,4%, BID của BIDV ( HoSE: BID ) giảm 4%, MBB của Ngân hàng Quân đội ( HoSE: MBB ) giảm 3,96%…

Ở chiều ngược lại, BCM của Becamex IDC ( HoSE: BCM ) gây bất ngờ khi tăng đến hơn 9% chỉ sau một tuần giao dịch. Hai mã VRE của Vincom Retail và VEA của VEAM ( UPCoM: VEA ) cũng tăng lần lượt 8,6% và 5%.

Tăng giá

Trên sàn HoSE, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về BMC của Khoáng sản Bình Định (HoSE: BMC) với hơn 15%. Cổ phiếu BMC tăng giá đi kèm thanh khoản cải thiện với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 129.476 đơn vị/phiên, gấp 3 lần trước đó.

Tiếp sau đó, CKG của Xây dựng Kiên Giang ( HoSE: CKG ) và VCG của Vinaconex ( HoSE: VCG ) cũng tăng lần lượt 13,4% và 13,2%. Các cổ phiếu như PVD của PV Drilling ( HoSE: PVD ), NBB của Đầu tư Năm Bảy Bảy ( HoSE: NBB ), EIB của Eximbank ( HoSE: EIB )… cũng nằm trong danh sách tăng giá mạnh sàn này.

Đối với EIB, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chấp thuận cho ngân hàng này tăng vốn điều lệ thêm 2.458,8 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối theo phương án tăng vốn điều lệ đã được ĐHCĐ thông qua và HĐQT Eximbank thống nhất.

Mới đây, từ ngày 14/9, ông Võ Quang Hiển không còn là thành viên HĐQT Eximbank và thành viên/ủy viên các hội đồng/ủy ban trực thuộc Eximbank. Eximbank cho biết lý do miễn nhiệm là do ông Võ Quang Hiển không còn làm người đại diện theo ủy quyền của cổ đông Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) tại Eximbank từ ngày 14/9.

Tại sàn HNX, đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. Đứng đầu mức tăng giá là NBW của Cấp nước Nhà Bè ( HNX: NBW ) với gần 53%. Cổ phiếu duy nhất có thanh khoản tốt trong danh sách tăng giá sàn này là PVB của Bọc ống Dầu khí Việt Nam ( HNX: PVB ) với mức tăng gần 18,5%.

Ở sàn UPCoM, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất vẫn là cái tên CFV của Cà phê Thắng Lợi ( UPCoM: CFV ) với 99,34%. Như vậy, CFV đã có 23 phiên tăng trần liên tiếp từ mức chỉ 4.900 đồng/cp lên đến 90.700 đồng/cp. Dù vậy, thanh khoản của CFV luôn duy trì ở mức rất thấp.

Cà phê Thắng Lợi đã nhiều lần soạn văn bản gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX). Theo đó, ban lãnh đạo và những người liên quan không có tác động đẩy giá cổ phiếu lên cao và cũng không thực hiện giao dịch liên quan đến cổ phiếu công ty trên thị trường chứng khoán. Theo văn bản mới nhất, Cà phê Thắng Lợi nghi ngờ một số cá nhân lợi dụng lỗ hổng của thị trường chứng khoán để tác động đến giá cổ phiếu vì động cơ cá nhân. Công ty nhận định việc cổ phiếu liên tục tăng trần với khối lượng giao dịch thấp như vậy là điều bất thường vì tất cả các phiên tăng trần đều chỉ có 1 lệnh mua và bán giá trần trong phiên. Vì vậy, để đảm bảo giá trị cổ phiếu về đúng giá trị thực, minh bạch thông tin trên thị trường, công ty đề nghị UBCKNN và HNX tiến hành kiểm tra các cá nhân thực hiện giao dịch dẫn tới việc biến động tăng trần bất thường của CFV.

Hai cổ phiếu khác cũng tăng giá trên 97% là VHH của Kinh doanh nhà Thành Đạt ( UPCoM: VHH ) và BMN của Công ty 715 ( UPCoM: BMN ). Trong đó, VHH tăng 97,6% còn BMN tăng 97,4%. Dù vậy, thanh khoản của cả hai cổ phiếu này cũng chỉ ở mức rất thấp.

Giảm giá

Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về GMC của Garmex Sài Gòn ( HoSE: GMC ) với gần 16%. Tiếp sau đó, AMD của FLC Stone ( HoSE: AMD ) cũng giảm gần 15,5%. Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới đây đã có thông báo đưa cổ phiếu AMD vào diện cảnh báo từ ngày 21/9. Lý do là doanh nghiệp này chậm nộp báo cáo tài chính bán niên đã soát xét.

Tại sàn HNX, cổ phiếu CX8 của Constrexim số 8 ( HNX: CX8 ) đứng đầu danh sách giảm giá với gần 225. Tuy nhiên, CX8 là cổ phiếu nằm trong diện có thanh khoản rất thấp. Hai cổ phiếu cùng họ “FLC” là ART của CTCP Chứng khoán BOS ( HNX: ART ) và KLF của CTCP Đầu tư thương mại xuất nhập khẩu CFS ( HNX: KLF ) cũng giảm lần lượt 21,7% và 19%. Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cũng đưa cổ phiếu ART và KLF vào diện cảnh báo.

Cổ phiếu LMC của Khoáng sản LATCA ( UPCoM: LMC ) giảm giá mạnh nhất sàn UPCoM và cũng là toàn thị trường với 56,5%. Tuy nhiên, khối lượng khớp lệnh bình quân của cổ phiếu này chỉ là 420 đơn vị/phiên. Toàn bộ các cổ phiếu giảm giá mạnh sàn UPCoM đều thuộc diện thanh khoản rất thấp.

Nguồn: cafef.vn

Bài viết cùng chủ đề: