Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường ghi nhận 21 mã giảm trong khi có 8 mã tăng giá. Trước biến động tiêu cực của giá dầu thế giới các cổ phiếu thuộc nhóm ngành xăng dầu giảm sâu.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần (8/7), VN-Index đứng ở mức 1.171,31 điểm, tương ứng giảm 27,59 điểm (-2,3%) so với tuần trước; HNX-Index cũng giảm 1,08 điểm (-0,39%) xuống 277,8 điểm; UPCoM-Index giảm 1,22 điểm (-1,38%) xuống 86,96 điểm.
Thanh khoản thị trường giảm so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 12.974 tỷ đồng/phiên, giảm 10,9%, trong đó, giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 9,5% và đạt 11.504 tỷ đồng/phiên.
Phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều có biến động không được tích cực trong tuần giao dịch từ 4-8/7. Trong top 30 vốn hóa toàn thị trường ghi nhận 21 mã giảm trong khi có 8 mã tăng giá. Trước biến động tiêu cực của giá dầu thế giới các cổ phiếu thuộc nhóm ngành xăng dầu giảm sâu. BSR của Lọc – Hóa dầu Bình Sơn ( UPCoM: BSR ) giảm mạnh nhất trong top 30 vốn hóa với 13,3%. Tương tự, GAS của PV GAS ( HoSE: GAS ) giảm 13%.
Tiếp sau đó, MWG của Đầu tư Thế giới di động ( HoSE: MWG ) cũng giảm hơn 7,5% chỉ sau một tuần giao dịch. Hai mã thuộc nhóm bất động sản khu công nghiệp là BCM của Becamex IDC ( HoSE: BCM ) và GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ( HoSE: GVR ) giảm lần lượt 6,8% và 5,8%.
Ở chiều ngược lại, VGI của Viettel Global (UPCoM: VGI) tăng mạnh nhất top 30 vốn hóa với hơn 23%. Bên cạnh đó, VIB của Ngân hàng Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) cũng tăng hơn 10%. Các cổ phiếu ngân hàng như TCB của Techcombank (HoSE: TCB), MBB của Ngân hàng Quân đội (HoSE: MBB)… cũng tăng tốt.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE là VAF của Phân lân Văn Điển ( HoSE: VAF ) với 17,6%. Mới đây, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Thành viên HĐQT công ty thông báo sẽ thực hiện chào mua công khai 450.000 cổ phiếu VAF, tương ứng tỷ lệ 1,19% vốn của doanh nghiệp này với giá chào mua 15.000 đồng/cp. Hiện ông Thạch và người có liên quan đang nắm giữ hơn 9,2 triệu cổ phiếu VAF (tỷ lệ gần 24,5%/VĐL). Thời gian thực hiện dự kiến từ 7/7 đến 7/9.
Cổ phiếu DBC của Dabaco ( HoSE: DBC ) gây chú ý khi tăng hơn 17,4% chỉ sau một tuần giao dịch. Một cổ phiếu khác cũng gây chú ý đó là TTF của Gỗ Trường Thành ( HoSE: TTF ) với mức tăng 11,5%. Nghị quyết HĐQT Gỗ Trường Thành đã thông qua việc chào bán 41 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp. Số lượng cổ phiếu phát hành mới bằng 10% số đang lưu hành, bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm. CTCP Marina 2 là nhà đầu tư duy nhất đăng ký mua hết số cổ phiếu trên. Theo tìm hiểu, CTCP Marina 2 được thành lập vào tháng 10/2018, có trụ sở tại tầng 9, tòa nhà Sunshine Center, 14 Phạm Hùng, Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ngành nghề chính của đơn vị này là lắp đặt và kinh doanh nội thất. Người là Chủ tịch và đại diện pháp luật của công ty là ông Nguyễn Đình Đức. Ông Đức là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn truyền thông và giải trí ODE, một công ty trong hệ thống Sunshine Group.
Ở sàn HNX, HKT của Đầu tư Ego Việt Nam ( HNX: HKT ) tăng mạnh nhất với gần 43%, tuy nhiên, thanh khoản của HKT chỉ ở mức thấp với tổng khối lượng khớp lệnh bình quân phiên một tuần chỉ là 10.480 đơn vị/phiên.
Đa số các cổ phiếu tăng mạnh nhất sàn HNX đều thuộc nhóm thanh khoản thấp. HHG của Vận tải Hoàng Hà ( HNX: HHG ) là trường hợp hiếm hoi có thanh khoản cao. HHG trong tuần tăng 18,5% và khối lượng khớp lệnh bình quân đạt gần 470.000 đơn vị/phiên.
Tại sàn UPCoM, hầu hết các cổ phiếu trong danh sách tăng giá cũng thuộc nhóm thanh khoản rất thấp. ILC của Hợp tác lao động với nước ngoài ( UPCoM: ILC ) tăng mạnh nhất với gần 66%.
Giảm giá
Cổ phiếu giảm giá mạnh nhất sàn HoSE thuộc về ACL của Thủy sản CL An Giang ( HoSE: ACL ) với mức giảm gần 20%. Một cổ phiếu cũng thuộc nhóm thủy sản là IDI của Đầu tư và PT Đa Quốc Gia ( HoSE: IDI ) giảm hơn 15% chỉ sau một tuần giao dịch.
Bên cạnh đó, các cổ phiếu thuộc nhóm vận tải biển, cảng biển biến động cũng khá xấu, trong đó, HAH của Vận tải và Xếp dỡ Hải An ( HoSE: HAH ) và VOS của Vận tải Biển Việt Nam ( HoSE: VOS ) giảm lần lượt 14,87% và 14%.
Tại sàn HNX, cổ phiếu VTZ của Nhựa Việt Thành ( HNX: VTZ ) giảm mạnh nhất với hơn 22%. Tuy nhiên, thanh khoản của VTZ ở diện rất thấp.
Trong danh sách giảm giá mạnh sàn HNX có một số mã thanh khoản cao như MST của Đầu tư MST ( HNX: MST ) và TNG của Đầu tư và Thương mại TNG ( HNX: TNG ). Trong đó, TNG giảm 12,7%. Theo ước tính mới đây, lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu của doanh nghiệp này ước đạt 3.229 tỷ đồng, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2021, hoàn thành 54% kế hoạch cả năm.
Ở sàn UPCoM, toàn bộ 10 mã giảm mạnh nhất đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp. Cổ phiếu PTH của Vận tải và DV Petrolimex Hà Tây ( UPCoM: PTH ) giảm mạnh nhất với 48,9%.
Nguồn: cafef.vn