Các cổ phiếu lớn có sự phân hóa mạnh và khiến VN-Index biến động giằng co ở tuần giao dịch từ 6-10/6.
VN-Index có tuần điều chỉnh trở lại sau 3 tuần tăng liên tiếp. Chỉ số này đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần (10/6) ở mức 1.284,08 điểm, tương ứng giảm 3,9 điểm (-0,3%) so với phiên cuối tuần trước, HNX-Index giảm 4,04 điểm (-1,3%) xuống 306,44 điểm, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,48%) xuống 93,72 điểm.
Thanh khoản thị trường được cải thiện hơn so với tuần trước đó. Tổng giá trị giao dịch bình quân đạt 20.184 tỷ đồng/phiên, tăng 7,8%, trong đó, giá trị khớp lệnh bình quân đạt 18.246 tỷ đồng/phiên, tăng 11,8%.
Nhóm cổ phiếu lớn biến động phân hóa mạnh nên khiến các chỉ số có những sự giằng co qua các phiên giao dịch. Trong top 30 về vốn hóa toàn thị trường, số mã tăng và giảm chia đều, trong đó, BSR của Lọc – Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) tăng giá mạnh nhất nhóm này với 12,4%. Tiếp sau đó, GVR của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) và VEA của VEAM (UPCoM: VEA) tăng lần lượt 4,4% và 4,37%. TCB của Techcombank (HoSE: TCB) cũng tăng hơn 4%.
Ở chiều ngược lại, GAS của PV GAS (HoSE: GAS) giảm mạnh nhất với 4,4%. Tiếp sau đó, FPT của CTCP FPT (HoSE: FPT) cũng giảm hơn 3,5%.
Tăng giá
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất sàn HoSE trong tuần 6-10/6 là CRC của Create Capital Việt Nam (HoSE: CRC) với 16,6%. Cổ phiếu này tăng với thanh khoản cải thiện hơn nhiều so với trước đó. Tổng khối lượng khớp lệnh bình quân đạt 228.140 cổ phiếu/phiên, gấp 5,2 lần tuần trước.
YEG của Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) đứng thứ 2 trong danh sách tăng giá sàn này với 15,9%. Như vậy, giá cổ phiếu YEG tiếp tục leo cao sau khi Chủ tịch HĐQT Nguyễn Ảnh Nhượng Tống liên tục rút vốn từ đầu năm và không còn là cổ đông tại Yeah1.
Cổ phiếu PAN của Tập đoàn PAN (HoSE: PAN) cũng biến động tích cực khi tăng 11,7%. Tập đoàn PAN công bố Nghị quyết HĐQT triển khai phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu và chào bán thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền mua. Cụ thể, The PAN Group sẽ phát hành khoảng 83,6 triệu cổ phiếu tăng vốn từ nguồn thặng dư vốn cổ phần theo BCTC kiểm toán năm 2021, tỷ lệ 40%. Đồng thời, doanh nghiệp chào bán hơn 104,4 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, tỷ lệ 50%. Với giá chào bán 15.000 đồng/cp, doanh nghiệp dự thu 1.566 tỷ đồng. Cổ phiếu phát hành cho cổ đông hiện hữu không bị hạn chế chuyển nhượng nhưng cổ phiếu phân phối lại khi cổ đông hiện hữu không mua hết bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Tại sàn HNX, cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thuộc về DPC của Nhựa Đà Nẵng (HNX: DPC) với gần 31%. Tuy nhiên, DPC thuộc nhóm cổ phiếu có thanh khoản rất thấp. Trong tuần, DPC tăng trần ở 3 phiên cuối tuần nhưng mỗi phiên chỉ khớp lệnh 100 đơn vị.
MHL của Minh Hữu Liên (HNX: MHL) và VNT của Vận tải ngoại thương (HNX: VNT) đều có mức tăng giá trên 20%.
Cổ phiếu tăng giá mạnh nhất thị trường thuộc về TVP của Dược phẩm TV.Pharm ( UPCoM: TVP) với hơn 46%. Đa số các cổ phiếu tăng giá mạnh sàn UPCoM đều thuộc nhóm thanh khoản rất thấp. SBS của Chứng khoán Sacombank (UPCoM: SBS) gây chú ý khi tăng 29% chỉ sau một tuần giao dịch. Thông tin hỗ trợ đà tăng cho cổ phiếu này là việc Tổng giám đốc cho biết sẽ hợp tác với tập đoàn lớn và tận dụng hệ sinh thái để có bước phát triển mạnh mẽ.
Giảm giá
Rất nhiều cổ phiếu có yếu tố đầu cơ cao giảm sâu trong tuần giao dịch vừa qua. Tại sàn HoSE, TGG của Louis Capital (HoSE: TGG) là cổ phiếu giảm mạnh nhất với hơn 19%. DRH của DRH Holdings (HoSE: DRH), HAI của Nông Dược HAI (HoSE: HAI), ROS của Xây dựng FLC FAROS (HoSE: ROS)… cũng đều nằm trong danh sách giảm mạnh sàn HoSE.
Giảm giá mạnh nhất sàn HNX là CTT của Chế tạo máy Vinacomin (HNX: CTT) với gần 31% nhưng cổ phiếu này nằm trong diện thanh khoản rất thấp. BII của Louis Land (HNX: BII) gây chú ý khi giảm hơn 22% chỉ sau một tuần giao dịch. Louis Land đang là một trong những trường hợp hy hữu trong lịch sử các doanh nghiệp niêm yết khi hiện tại không còn ai trong ban điều hành. Tổng giám đốc và Chủ tịch cùng nộp đơn từ nhiệm. Thậm chí nhân sự cấp cao duy nhất là ông Trần Sĩ Chương, người được bổ nhiệm chức danh Phó chủ tịch vào tháng 11/2021 cũng mới được CTCP Louis Land công bố là đã nộp đơn từ nhiệm từ ngày 17/5.
Tại sàn UPCoM, cổ phiếu giảm giá mạnh nhất là CAB của Truyền hình Cáp Việt Nam ( UPCoM: CAB ) với gần 55%. Toàn bộ các cổ phiếu nằm trong top 10 về mức giảm giá sàn UPCoM đều có thanh khoản rất thấp.
Nguồn: cafef.vn