Có doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn gấp 40 lần vốn chủ sở hữu, gây rủi ro thị trường. Cảnh báo được Bộ Xây dựng đưa ra trong báo cáo thị trường bất động sản quý 1-2022, vừa công bố.
Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi quy định về chào bán trái phiếu tại thị trường trong nước, thị trường quốc tế để ngăn rủi ro trong phát hành trái phiếu bất động sản – Ảnh: T.N.
Bộ Xây dựng cho biết trong quý 1-2022, các doanh nghiệp bất động sản dẫn đầu về giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành trái phiếu bất động sản khoảng 17.211 tỉ đồng, chiếm 43,36% tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường.
Bộ Xây dựng nhận định, với số lượng phát hành quy mô lớn như thế, lãi suất cao tiềm ẩn nhiều rủi ro cho thị trường.
Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, có trường hợp gấp 40 lần vốn chủ sở hữu gây rủi ro cho thị trường. Kỳ hạn phát hành trái phiếu ngắn, khoảng 3-5 năm nhưng lại huy động vốn để thực hiện các dự án kéo dài trên 5 năm nên rủi ro với nhà đầu tư là không nhỏ.
Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo cho trái phiếu doanh nghiệp thường là dự án bất động sản, nhưng công tác định giá tài sản đảm bảo lại không sát với thực tế, cao hơn giá trị thực, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư mua trái phiếu bất động sản.
Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, các thương vụ phát hành trái phiếu bất động sản lớn, đáng chú ý trong tháng 3-2022, gồm: Công ty CP bất động sản Hano-vid phát hành 2 đợt trái phiếu riêng lẻ, kỳ hạn 7 năm, huy động khoảng 1.000 tỉ đồng. Công ty CP thương mai dịch vụ TNS Holdings phát hành trái phiếu ra công chúng huy động 490,8 tỉ đồng.
Trước đó, trong tháng 1, tháng 2-2022, một loạt doanh nghiệp khác cũng phát hành nhiều đợt trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn với quy mô lớn.
Đáng chú ý là các thương vụ Công ty CP phát triển bất động sản Nhật Quang phát hành trái phiếu huy động 2.150 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư Smart Dragon phát hành trái phiếu huy động 1.900 tỉ đồng, Tập đoàn Hà Đô phát hành trái phiếu huy động 210 tỉ đồng, Công ty CP đầu tư Hội An phát hành trái phiếu huy động 516 tỉ đồng, Công ty CP phát triển bất động sản Phát Đạt phát hành trái phiếu huy động 400 tỉ đồng, Tập đoàn Vingroup phát hành trái phiếu huy động 1.515 tỉ đồng…
Để ngăn chặn rủi ro trái phiếu bất động sản, Bộ Xây dựng kiến nghị sửa đổi nghị định 153 năm 2020 của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp tại thị trường trong nước và quốc tế.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến thị trường phát hành trái phiếu doanh nghiệp lĩnh vực bất động sản nhằm kịp thời kiểm soát, điều chỉnh chính sách để thị trường bất động sản phát triển ổn định và lành mạnh.
Không chỉ huy động vốn từ trái phiếu, theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến 31-3 năm nay, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản khoảng 783.942 tỉ đồng, tương đương 34,1 tỉ USD.
Như vậy, tính đến hết quý 1 năm nay, các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản đã vay ngân hàng hàng chục tỉ USD, bên cạnh đó cũng phát hành hàng chục tỉ USD trái phiếu doanh nghiệp để thực hiện các dự án bất động sản.
Nguồn: tuoitre.vn