Du lịch dịp lễ 30-4 và 1-5 dù ngắn ngủi nhưng đã tác động mạnh lên chuỗi sản xuất, cung ứng cho ngành du lịch. Đáng mừng là một số doanh nghiệp khẳng định lượng khách đã vọt lên, không kém trước dịch COVID-19.
Điểm vui chơi tại khu du lịch Bà Nà Hill (Đà Nẵng) thu hút rất đông khách tham quan dịp lễ – Ảnh: T.KIM
Quay lại như trước dịch nhanh không ngờ, ngành du lịch chuẩn bị những kế hoạch cho sự phục hồi bền vững và mạnh mẽ hơn.
Phục hồi như trước dịch
Sáng 3-5, ông Nguyễn Minh Tâm – giám đốc Công ty canô Tâm Đăng Khoa ở phường An Thới (TP Phú Quốc, Kiên Giang) – cho biết trong dịp lễ 30-4 và 1-5 này, dù ảnh hưởng mưa dông nhưng dịch vụ của ông vẫn đưa đón gần 300 – 400 khách/ngày. “Chúng tôi có 10 hướng dẫn viên, khách càng đông anh em có việc làm nên càng vui, làm hổng thấy mệt…”, ông Tâm cho biết.
Bà Vũ Thị Hương Giang – quản lý Alma Resort – cho biết trong dịp giỗ Tổ và lễ 30-4, 1-5 resort đón hơn 11.000 lượt khách, phải tuyển thêm nhân viên và phải tăng ca mới đáp ứng. “Hiện resort phải tuyển dụng nhân viên du lịch ở các tỉnh khác về nhưng vẫn không đủ”, bà Giang nói.
Nhiều doanh nghiệp lớn ngành du lịch cũng phấn khởi khi lượng khách đông như trước dịch. Theo Tập đoàn Sun Group, trong 3 ngày lễ tính từ 30-4 đến 2-5, các khu du lịch của đơn vị này đã đón hàng trăm ngàn lượt khách.
Đặc biệt, nếu so sánh thì lượng khách trong kỳ nghỉ lễ năm nay đã đạt đỉnh điểm của cùng kỳ năm 2019 – khi ngành du lịch chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tức khách của đơn vị đã phục hồi như trước dịch.
Cho rằng du lịch đang tạo tác động lan tỏa, ông Nguyễn Anh Tuấn – phó giám đốc Công ty TNHH vận tải Anh Tuấn Phát (Khánh Hòa) – chia sẻ: trong dịch COVID-19, lượng khách sụt giảm mạnh xe phải nằm ở bãi. Nay nhiều đoàn khách đã thuê xe nên hãng phục hồi, có tiền bảo trì xe, trả lãi ngân hàng. Cả dây chuyền cùng vui…
Ông Bùi Quốc Thái – giám đốc Sở Du lịch Kiên Giang – thông tin trong 4 ngày lễ vừa qua, Phú Quốc ước đón gần 129.000 lượt khách, tăng 40,8% so với cùng kỳ (có 5.000 lượt khách quốc tế). Công suất phòng lưu trú phân khúc khách sạn 3 – 5 sao ở Phú Quốc đạt tới trên 95%.
Ông Thái cho rằng khách đến chơi nhiều không chỉ là niềm vui cho ngành du lịch địa phương, mà còn tác động tích cực đối với các ngành kinh tế có liên quan và tạo công ăn việc làm, thu nhập cho người dân.
Ấn tượng với các sản phẩm mới
Di tích nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) gần đây gây sốt trong giới trẻ, khách du lịch nội với các tour đêm. Tháng 5 này, di tích tổ chức các tour “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” vào các tối cuối tuần.
Không chỉ có hình ảnh, hiện vật và thông tin khô khan, sản phẩm mới này “sân khấu hóa” các câu chuyện lịch sử. Với nến, đèn chiếu sáng, tiếng động, âm nhạc, khách có được trải nghiệm chân thật.
Tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” cũng vừa mở trở lại vào các tối thứ sáu, thứ bảy hằng tuần.
Trong khoảng 90 phút, du khách được xem biểu diễn những điệu múa hoàng cung xưa ngay trên sàn kính mà phía dưới là hố khai quật tại Hoàng thành Thăng Long, được giao lưu với nhân vật cung nữ, lính canh trong trang phục xưa, thưởng thức mứt sen cung đình, được check-in với khung cảnh đèn lồng dẫn vào các lối đi trong hoàng thành mô phỏng cung đình hoa lệ xưa.
Ông Phạm Quốc Quân – chủ tịch Sun Group vùng miền Nam – cho rằng dịp lễ lớn này chính là bàn đạp để ngành du lịch khởi sắc sau hơn 2 năm “ngủ đông” vì dịch bệnh.
Nói về sản phẩm du lịch mới dù chưa ra mắt đã được báo nước ngoài đưa tin, ông Quân tiết lộ dự kiến ngay cuối năm 2022, ở thị trấn Địa Trung Hải (TP Phú Quốc, Kiên Giang) sẽ khánh thành “cầu Hôn” – cây cầu được hợp tác với các kiến trúc sư của Ý – để kiến tạo nên một biểu tượng mới cho du lịch Phú Quốc nói riêng, Việt Nam nói chung, kỳ vọng tương tự như cầu Vàng.
Cùng với đó, chương trình nghệ thuật Vortex kết hợp lửa – nước và công nghệ hiện đại cũng sẽ ra mắt, nhằm đem đến một trải nghiệm chưa từng có cho du khách.
Nhiều tham vọng nâng tầm du lịch
Nhiều địa phương đang cùng quan tâm thu hút đầu tư và phát triển sản phẩm để không chỉ hút khách vào dịp lễ, mùa hè.
Ông Bùi Quốc Thái cho hay ngành du lịch Kiên Giang đang kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển sản phẩm mới.
Ông Phạm Ngọc Thủy – giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh – nhấn mạnh mục tiêu đẩy mạnh thu hút, tạo điều kiện tối đa cho những nhà đầu tư chiến lược có uy tín, tiềm lực kinh tế để “nâng tầm” du lịch địa phương, giúp Quảng Ninh thành điểm đến của cả 4 mùa.
Để đẩy nhanh khôi phục hoạt động của ngành du lịch, HĐND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành tới 5 nghị quyết để kích cầu du lịch, trong đó có việc miễn giảm phí tham quan vịnh Hạ Long, tiếp tục hỗ trợ vé tuyến xe buýt từ sân bay Vân Đồn đến Dốc Đỏ (phường Phương Đông, TP Uông Bí) và ngược lại…
Ông Nguyễn Thanh Bình – chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho rằng cần xây dựng các tour kết nối liên vùng, để khách có thể trải nghiệm từ tỉnh này sang tỉnh nọ. An Giang sẽ liên kết với Kiên Giang để đưa du khách từ biển đảo vào đồng bằng, núi non của An Giang và ngược lại.
“Châm mồi lần này mong lửa cháy quanh năm”
Sau thời gian dài đóng cửa, ông Đặng Quang Mẫn – giám đốc điều hành Trung tâm giải trí Helio (Đà Nẵng) – tỏ ra bất ngờ khi có ngày nơi đây đón tới 10.000 lượt khách.
“Đợt lễ vừa rồi đã châm mồi lửa cho du lịch trong nước, mong lửa tiếp tục cháy quanh năm nhưng muốn duy trì cần phải có thêm khách quốc tế”, ông Mẫn nói.
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, lượng khách tham quan trong dịp lễ tại TP ước hơn 254.000 lượt, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Đợt lễ 30-4-2019 Đà Nẵng đón 375.000 lượt khách nhưng sự sụt giảm này rơi chủ yếu vào nhóm khách quốc tế do mới có vài đường bay được mở lại.
Theo bà Trương Thị Hồng Hạnh – giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, đợt lễ vừa rồi đã mang đến lượt khách lớn, thổi làn gió mới cho bánh xe du lịch vốn đứng bánh suốt hai năm qua vì đại dịch ở TP.
TRƯỜNG TRUNG
Phải giải quyết vướng mắc hạ tầng
Nhiều địa phương cho hay yếu tố hạ tầng đã ảnh hưởng không ít để khả năng phát triển du lịch. Như tại Bến Tre, ông Nguyễn Văn Bàn, giám đốc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch tỉnh, cho biết từ ngày 30-4 đến trưa 2-5 Bến Tre đã thu hút và đón trên 64.000 lượt khách, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2021. Công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú du lịch: đạt từ 60-90%.
Tuy nhiên, theo ông Bàn, do trình trạng kẹt xe trên các quốc lộ và cầu Rạch Miễu, phà Đình Khao… nên nhiều khách hủy tour, hủy dịch vụ. Điều này đã gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh ở Bến Tre và các tỉnh thành vùng ĐBSCL. “Đây cũng là một trong những vấn đề cần quan tâm và rút kinh nghiệm để sớm đưa ra giải pháp”, ông Bàn nói.
Nguồn: tuoitre.vn