Petrolimex giảm lãi dù giá dầu tăng vọt

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý I của Petrolimex đạt hơn 442 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ 2021 dù giá dầu thế giới tăng kỷ lục.

Theo báo cáo tài chính quý I vừa được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (mã CK: PLX) công bố, doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần bán hàng, cung cấp dịch vụ 3 tháng đầu năm tăng gấp rưỡi cùng kỳ, gần 67.020 tỷ đồng.

Nhưng giá vốn bán hàng tăng gấp 1,8 lần cùng kỳ, lên hơn 64.242 tỷ đồng khiến lãi gộp từ bán hàng, cung cấp dịch vụ còn 2.777 tỷ đồng (tương đương giảm 18% so với cùng kỳ).

Doanh thu tài chính và lãi trong công ty liên kết đều tăng trong quý I, lần lượt 300 tỷ đồng và 234 tỷ đồng. Tuy nhiên, các khoản chi phí như chi phí bán hàng, chi phí tài chính… đều tăng vọt so với cùng kỳ. Điều này khiến khoản lãi sau thuế giảm mạnh về mức 442,4 tỷ đồng, giảm gần 40% so với cùng kỳ 2021.

Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm tới gần 63% so với cùng kỳ năm ngoái, về mức xấp xỉ 244 tỷ đồng. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) giảm còn một phần ba so với quý I năm ngoái, còn 208 đồng.

Việc lợi nhuận sụt giảm mạnh trong quý đầu năm, ban lãnh đạo Petrolimex cho hay nguyên nhân chủ yếu do tác động từ biến động giá dầu thế giới và nguồn cung xăng dầu trong nước.

Theo tập đoàn này, sản xuất, giao thương trong nước và thế giới hồi nhịp trở lại làm nhu cầu tiêu thụ xăng dầu tăng đáng kể trong quý I. Nhưng xung đột Nga – Ukraine làm nảy sinh các vấn đề về nguồn cung năng lượng. Giá dầu WTI biến động mạnh từ 75,88 USD một thùng tại thời điểm đầu quý, lên 102,07 USD một thùng vào cuối tháng 3, tương ứng tăng 35%. Có thời điểm đầu tháng 3 lên đến 128 USD một thùng.

Cùng thời gian này, nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng sản xuất xuống 55-80% công suất và có thời gian gặp sự cố kỹ thuật phải ngừng sản xuất, không đáp ứng được sản lượng cam kết theo hợp đồng dài hạn đã ký với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Vì vậy, vào các thời điểm giá xăng dầu tăng liên tục và duy trì ở mức cao, áp lực về nhu cầu xăng dầu đổ dồn sang Petrolimex – doanh nghiệp giữ hơn 48% thị phần phân phối xăng dầu trong nước.

Để không gián đoạn nguồn cung và đáp ứng kịp thời tiêu dùng trong nước, Petrolimex cho biết, đã phải thay đổi kế hoạch nhập mua, tìm kiếm nguồn cung tức thời với giá cao từ các nhà cung cấp khác. Việc này khiến biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu quý I giảm so với cùng kỳ.

Anh Minh

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: