Sau một thời gian dài ổn định, lãi suất huy động tại một số ngân hàng nhỏ đã tăng 0,1-0,3%/năm. Việc này có dẫn đến áp lực tăng lãi suất cho vay trong thời gian tới?
Lãi suất huy động đang nhích lên ở một số ngân hàng – Ảnh QUANG ĐỊNH
Ngân hàng Bắc Á tăng lãi suất huy động kỳ hạn 13 tháng với khách hàng cá nhân thêm 0,1%/năm, lên 6,7%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,6%/năm. Tại các kỳ hạn ngắn, lãi suất 6 tháng của BacABank cũng tăng 0,1% lên 6,1%/năm.
Tại Ngân hàng Phương Đông (OCB), lãi suất huy động tại quầy tăng 0,1-0,3%/năm ở các kỳ hạn dài. Sau khi tăng, lãi suất huy động kỳ hạn 36 tháng là 6,35%/năm, tăng 0,2%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ 5,9% lên 6,1%/năm. Lãi suất cao nhất là 6,75%/năm áp dụng với khách hàng gửi online trên app OCB OMNI kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng MSB cũng tăng nhẹ lãi suất ở nhiều kỳ hạn: ở kỳ hạn 3 tháng lãi suất tăng 0,2%/năm, từ 3,8%/năm lên 4%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3% lên 5,8%/năm.
Hiện một số ngân hàng áp dụng mức lãi suất trên 7%/năm với các kỳ hạn dài, thường là trên 18 tháng. Như tại Ngân hàng SCB, lãi suất gửi online từ 18 tháng trở lên đang ở mức 7,35%/năm.
Báo cáo phân tích của Công ty Chứng khoán SSI cho thấy lãi suất huy động với khách hàng doanh nghiệp cũng đã nhích lên tại một số ngân hàng lớn như MB, Techcombank với mức tăng 0,2% ở các kỳ hạn trên 6 tháng.
Từ đầu tháng 2-2022, nhiều ngân hàng thương mại khác đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng ở các kỳ hạn thêm khoảng 0,1 – 0,2 %. Việc này có thể gây áp lực lên lãi suất cho vay.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM, thanh khoản của các ngân hàng thời điểm này khá mạnh, nhưng tiền chảy qua một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản… Từ đó buộc một số ngân hàng nhỏ phải tăng lãi suất để hút vốn.
“Thật ra tiền chảy vòng vòng, từ cá nhân qua doanh nghiệp, trước tiền ở cá nhân nhiều hơn nhưng hai năm nay tiền ở doanh nghiệp nhiều hơn (do lãi suất huy động thấp, nhiều người chọn đầu tư thay vì gửi tiền ngân hàng).
Tài khoản doanh nghiệp cũng ở ngân hàng nên tiền vẫn ở trong hệ thống ngân hàng. Vấn đề ở chỗ là doanh nghiệp mở tài khoản ở một số tổ chức tín dụng nhất định nên một số ngân hàng khác sẽ bị hụt tiền và họ phải tăng lãi suất lên để hút tiền.
Khi ngân hàng nhỏ tăng lãi suất thì khách hàng cá nhân sẽ đổ sang để gửi tiền ở những ngân hàng đó, dẫn đến ảnh hưởng dây chuyền là những ngân hàng không ảnh hưởng bởi thanh khoản cũng phải tăng nhẹ lãi suất để giữ nguồn vốn”, vị tổng giám đốc này nói.
Vậy có lo lãi suất cho vay tăng? Theo vị lãnh đạo này, lãi suất huy động có nhích nhẹ nhưng lãi suất cho vay gần như đứng yên vì hai lý do: Một là Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay.
Hai là tín dụng từ đầu năm không thuận lợi như dự kiến ban đầu. Số lượng khách hàng vay vốn mua nhà ở các dự án khá ít, thấp hơn mong muốn cho vay của các ngân hàng nên các ngân hàng phải cạnh tranh, phải giảm giá để thu hút khách hàng vay.
Thêm vào đó những ngân hàng có lợi thế về quy mô và giá vốn cũng giảm lãi suất để thu hút khách hàng tốt, khiến các ngân hàng khác cũng phải giảm theo.
Nguồn: tuoitre.vn