Lãi sau thuế của nhiều doanh nghiệp điện tăng mạnh trong quý đầu năm nhờ sản lượng tiêu thụ và giá trên thị trường phát điện cạnh tranh lên cao.
Tổng công ty Phát điện 2 (GE2) ghi nhận lãi sau thuế của quý I hơn 1.088 tỷ đồng, tăng gần 82% so với cùng kỳ 2021. Đây cũng là doanh nghiệp điện niêm yết duy nhất đạt lợi nhuận nghìn tỷ đồng trong quý đầu năm.
Cùng mức lợi nhuận ở nhóm cao, Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – POW) kỳ này lãi hơn 803 tỷ đồng, tăng gần 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Tương tự, Tổng công ty Phát điện 3 (PGV) báo lãi gần 848 tỷ đồng, tăng 7%.
Giá trị tuyệt đối không cao bằng các doanh nghiệp trên, nhưng lợi nhuận của Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP) và Công ty cổ phần Điện Gia Lai (GEG) lại có tốc độ tăng khá lớn, lần lượt đạt khoảng 195% và 127% so với cùng kỳ 2021.
Ngoài ra, các đơn vị như Công ty cổ phần Thủy điện Thác Mơ (TMP), Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (VSH)… cũng ghi nhận lợi nhuận tăng trưởng hàng chục điểm phần trăm trong kỳ vừa qua.
Sản lượng điện tăng mạnh là động lực tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cho biết tổng sản lượng điện thương phẩm 3 tháng đầu năm tăng hơn 173% so với cùng kỳ, còn của Thủy điện Thác Mơ là tăng hơn 57%, Nhiệt điện Quảng Ninh hơn 39%…
Theo số liệu của Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN), lũy kế 3 tháng đầu năm, sản lượng điện cả nước đạt hơn 63 tỷ kWh, tăng gần 8% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, nhiệt điện chiếm 45%, thủy điện chiếm hơn 26%, còn lại là các loại điện năng lượng tái tạo và điện nhập khẩu. Điện sản xuất của EVN và các Tổng công ty Phát điện (kể cả các công ty cổ phần) chiếm hơn 42% sản lượng điện sản xuất của toàn hệ thống.
Ngoài yếu tố sản lượng, Phát điện 3 lý giải công ty tăng lãi nhờ giá bán điện bình quân tăng lên. Tương tự, QTP có lãi cao do chào bán giá điện đạt hiệu quả.
Báo cáo mới đây của SSI Research nhận định rằng, mở cửa kinh tế trở lại giúp tiêu thụ điện toàn quốc tăng. Song song đó, giá trên thị trường phát điện cạnh tranh (giá CGM) cũng tăng lên. Theo đơn vị này, giá CGM trung bình quý đầu năm là 1.515 đồng một kWh, tăng 37% so với cùng kỳ 2021.
Thị trường phát điện cạnh tranh được triển khai xây dựng từ đầu năm 2019, hướng tới đưa ra mô hình thiết kế thị trường bán lẻ điện phù hợp với thông lệ quốc tế, cho phép khách hàn lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp điện, đảm bảo giá bán lẻ điện minh bạch và phản ánh đúng chi phí…
Tuy nhiên nếu tính chung cả năm nay, giá CGM được SSI Research dự đoán chỉ tăng 30%, khoảng 1.300 đồng một kWh. Giả định trên thấp hơn so với trung bình quý I/2022 do hiện tượng La Nina (nhiệt độ biển hạ thấp, gây nhiều bão) có thể quay lại trong quý II.
Trong hệ thống các nhà máy điện, nhà máy thủy điện có chi phí và giá bán trung bình thấp hơn so với nhiệt điện. Sản lượng từ nhà máy thủy điện tăng có thể làm hạ nhiệt mức tăng giá CGM. Nhưng đơn vị này vẫn lưu ý, nếu nhu cầu tiêu thụ điện tăng mạnh thì diễn biến giá CGM có thể vẫn thuận lợi.
Về tình hình tiêu thụ điện, theo SSI Research, nếu giá dầu khí và than nhiệt tiếp tục tăng, áp lực lạm phát cao và tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể chậm lại sẽ khiến hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng GDP của Việt Nam bị ảnh hưởng, từ đó kéo theo mức tiêu thụ điện giảm. Theo kịch bản xấu nhất, nếu tăng trưởng GDP của Việt Nam khoảng 5-6%, tăng trưởng tiêu thụ điện toàn quốc sẽ khoảng 7%. Nếu GDP tăng 6-7%, tiêu thụ điện sẽ tăng 9,2%.
Xét riêng về thủy điện, Chứng khoán PSI cho rằng nhìn chung tình hình hoạt động của các nhà máy sẽ duy trì tốt khi hiện tượng La Nina có thể kéo dài cho đến tháng 5/2022, sau đó chuyển qua trạng thái trung tính cho đến hết năm 2022. Tuy nhiên do sự phân hóa về lượng mưa, các nhà máy thủy điện ở phía Nam sẽ hoạt động khả quan hơn.
Trong khi đó, nhiệt điện đối mặt với nhiều thách thức khi giá dầu thế giới tăng mạnh kéo theo đó là giá khí cung cấp cho các nhà máy. Theo Chứng khoán PSI, nếu tình hình địa chính trị vẫn căng thẳng, đà tăng của giá dầu sẽ không dừng lại khiến giá khí bán cho các nhà máy điện cũng tăng, biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp điện khí có thể tiếp tục bị tác động tiêu cực. Các doanh nghiệp nhiệt điện than cũng gặp khó tương tự khi nguồn cung nhiên liệu eo hẹp, giá bán tăng cao.
Tất Đạt
Nguồn: vnexpress.net