Ước tính thị trường vận tải hàng hóa đường sắt toàn cầu mỗi năm tăng trưởng 4,3% nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển cơ sở hạ tầng..
Vận tải hàng hóa bằng đường sắt có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ hoạt động kinh tế của một quốc gia, bởi vai trò đảm bảo luồng hàng hóa thông suốt và hiệu quả trong nước và xuyên biên giới.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng dịch Covid-19 còn chưa kết thúc, địa chính trị căng thẳng, thị trường vận tải hàng hóa bằng đường sắt toàn cầu vẫn có nhiều khởi sắc, ước đạt 169,8 tỷ USD vào năm 2022. Dự kiến, quy mô thị trường sẽ đạt 205,3 tỷ USD vào năm 2026, tăng trưởng với tốc độ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) là 4,3%.
Mức tăng trưởng này được cho là khả quan nhờ khối lượng vận chuyển hàng hóa gia tăng, đặc biệt ở tuyến châu Âu và Trung Quốc, khi vận tải đường biển đang gặp áp lực tắc nghẽn tại các cảng.
Bên cạnh đó, vấn đề về khí hậu đang thúc đẩy các chính phủ tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt để hạn chế ô nhiễm. Pháp đã công bố kế hoạch khôi phục vận tải hàng hóa đường sắt, nâng tỷ trọng phương thức vận tải này lên 18% vào năm 2030. Chính phủ Pháp còn duy trì viện trợ 170 triệu Euro cho các hoạt động của dịch vụ đường sắt tới năm 2024. Trong khi đó, Trung Quốc hiện có khoảng 59 thành phố liên kết vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt với gần 49 thành phố trên khắp châu Âu.
Để thúc đẩy phục hồi và phát triển đường sắt, nhiều quốc gia đã triển khai các công nghệ mới, phát triển cơ sở hạ tầng. Các công ty khai thác vận tải đường sắt sử dụng công nghệ tiên tiến như GSM và GPS để giải quyết các vấn đề như trộm cắp và thất thoát hàng hóa. Hoặc công nghệ hỗ trợ lái xe tiên tiến (ADAS) đang trở nên phổ biến trong ngành vận tải đường sắt nhằm tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng, tăng cường quản lý vận hành, an toàn và hỗ trợ giảm chi phí.
Một số công ty đang trang bị cho các toa chở hàng tính năng trao đổi dữ liệu điện tử với mã vạch để cung cấp phản hồi gần như thời gian thực cho khách hàng. Công nghệ này được kỳ vọng sẽ giúp các công ty trao đổi trạng thái và đơn đặt hàng với khách hàng và nhà cung cấp của họ. Các hệ thống thông minh này cho phép các công ty giảm lượng hàng tồn kho và đảm bảo lượng hàng dự trữ được bổ sung nhanh hơn.
Quy mô thị trường vận tải Đường sắt tại Hoa Kỳ ước tính sẽ đạt 58 tỷ USD vào năm 2022. Hiện quốc gia này chiếm 34,4% thị phần trên thị trường toàn cầu, nhờ mạng lưới đường sắt rộng khắp Bắc Mỹ kéo dài hơn 200.000 dặm (gần 322.000 km). Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, dự báo đạt 35,4 tỷ USD trong năm 2026, với tốc độ CAGR là 5,5%. Quốc gia này
Các thị trường đáng chú ý khác như Nhật Bản và Canada, mỗi thị trường được dự báo sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 2,8% và 4,1%.
Trong khu vực Châu Âu, Đức được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ CAGR khoảng 3,3% trong khi các thị trường còn lại của Châu Âu sẽ đạt 35,5 tỷ USD vào năm 2026.
Thị trường vận tải hàng hóa đường sắt ở Châu Á – Thái Bình Dương dự kiến sẽ được thúc đẩy bởi sự kết hợp của các hệ thống và công nghệ thông minh trong các toa chở hàng. Các nền kinh tế mới nổi đang chú ý đến các khoản đầu tư lớn vào vận tải hàng hóa đường sắt để giúp phương thức vận tải mở rộng tầm cao mới bằng cách vượt qua những thách thức do những thay đổi trong ngành logistics gây ra.
Minh Lâm (Theo PR Newswire)
Nguồn: vnexpress.net