Thi công ‘thần tốc’ để giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong

Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho rằng, thời điểm này việc nhà thầu nào tăng được năng lực thi công sẽ là cơ hội ghi điểm cho các gói thầu mà đơn vị này sẽ triển khai các giai đoạn tiếp theo.

Thi công thần tốc để giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong - Ảnh 1.

Công nhân thi công trụ trên tại một khu vực móng trên đồi thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Tại cuộc họp Ban chỉ đạo giữa chủ đầu tư với các nhà thầu và tư vấn giám sát thuộc cụm dự án giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong (Ninh Hòa, Khánh Hòa) mới đây, lãnh đạo EVNNPT đã cho biết như vậy. Ngay sau đó, nhiều phương án được đưa ra bàn tính để việc thi công đạt tiến độ nhanh hơn nữa.

Khó khăn vẫn ở phía trước

Ông Trương Quang Minh – chủ tịch HĐQT Công ty CP EVN Quốc tế (đơn vị giám sát thi công gói thầu số 10-11) – nhìn nhận: Đây là tuyến thi công rất khó khăn khi tuyến đi qua nhiều đồi núi, khu vực móng có nền đá cứng. Do vậy muốn đảm bảo tiến độ, trước tiên các nhà thầu phải tăng cường nhân lực và chuẩn bị cho mọi tình huống. Làm xong phần móng là dựng ngay cột để khi có điều kiện là tổ chức kéo dây ngay. “Các nhà thầu phải cử người ở ngay trên công trường để đẩy tiến độ và có kế hoạch cụ thể từ nay đến khi hoàn thành”, ông Minh nói.

Thi công thần tốc để giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong - Ảnh 2.

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia họp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh tiến độ theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực – Ảnh: ĐĂNG NAM

Trong khi đó, tại hai gói thầu 8-9 có một số vị trí móng thi công đang chậm từ 40-50 ngày do thời tiết lẫn địa hình thi công khó khăn, vì thế theo ông Phan Quang – giám đốc Công ty CP Điện 2 (đơn vị tư vấn giám sát) – đã đề xuất phương án phối hợp nhanh với nhà thầu theo hình thức “xong hạng mục nào ngay lập tức nghiệm thu nội bộ hạng mục ấy. Đồng thời, quá trình thi công, khi địa phương thực hiện đền bù xong, phía nhà thầu phải bố trí người để thi công ngay lập tức”.

Tại buổi giao ban tiến độ, đại diện đơn vị thi công gói thầu số 5 (Công ty CP Sông Đà 11) cam kết sẽ đảm bảo tiến độ gói thầu kịp trước mùa mưa. Tuy nhiên đơn vị này cho rằng “khó khăn vẫn ở phía trước”, không những đến từ việc thi công móng, trụ mà căng thẳng nhất vẫn là việc đảm bảo cắt điện khi kéo dây qua quốc lộ, đường sắt lẫn đường dây 220kV đang tải điện từ các dự án điện gió khu vực Ninh Thuận lên lưới quốc gia. Do vậy ngay từ bây giờ chủ đầu tư cần sớm ưu tiên phê duyệt phương án cắt điện và xin phép các đơn vị liên quan để đảm bảo tiến độ thi công.

Tháng 7 phải hoàn thành việc dựng trụ toàn tuyến  

Thi công thần tốc để giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong - Ảnh 3.

Các hạng mục của TBA 500kV Vân Phong đang được gấp rút hoàn thành – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (gọi tắt Ban A), các nhà thầu phải đẩy cao tiến độ làm sao dứt điểm phần móng trong tháng 6 và dựng cột trong tháng 7, chỉ được phép chậm 1-2 tuần ở những vị trí đặc biệt khó khăn. Xong giai đoạn này, các nhà thầu phải bố trí những khoảng néo để thực hiện kéo dây, trong tháng 8 sẽ bố trí đủ lực lượng để kéo dây.

Ông Nguyễn Đức Tuyển, giám đốc Ban A, nhìn nhận quá trình lập phương án thi công sẽ có một số điểm khó khăn như khu vực băng cắt qua quốc lộ, đường điện, qua khu vực có dự án năng lượng tái tạo…

“Trước đây có đề xuất phương án thi công đêm để hạn chế ảnh hưởng đến các nhà máy điện gió, mặt trời… Tuy nhiên chúng tôi nhận thấy nếu thi công mạch 500kV như thế sẽ không thực sự an toàn. Nên lên phương án cắt điện trình EVN làm việc với các chủ dự án điện gió để họ cùng phối hợp điều độ, điều tiết trong quá trình thi công tránh ảnh hưởng đến họ”, ông Tuyển nói.

Thi công thần tốc để giải tỏa công suất nhà máy điện BOT Vân Phong - Ảnh 4.

TBA 500kV Vân Phong bên cạnh nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 – Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Ông Tuyển cũng yêu cầu các đơn vị nhanh chóng thực hiện xong việc đền bù giải phóng mặt bằng, bởi chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ thực hiện kéo dây. 

“Hành lang tuyến làm xong tới đâu bàn giao tới đó. Với các vị trí phải bảo vệ thi công thì có phương án bảo vệ thi công. Từ bây giờ các anh phải xác định vị trí đặt máy móc, thiết bị thi công để thực hiện nhanh, cấp bách như yêu cầu tiến độ” – ông Tuyển nói.

Cơ hội để các nhà thầu nâng cao năng lực

Đặt mục tiêu hoàn thành những hạng mục cơ bản trước ngày 20-8, ông Bùi Văn Kiên, phó tổng giám đốc EVNNPT, cho rằng các đơn vị thi công phải đặt quyết tâm hoàn thành khối lượng trước mùa mưa. “Tôi đề nghị các nhà thầu khi kéo dây vượt rừng, vượt nhà cửa phải dùng phương pháp kéo dây tối ưu nhất để tránh ảnh hưởng đến cây cối, công trình dưới mặt đất. 

Đây là cơ hội để các nhà thầu nâng cao năng lực, bởi hầu hết các công trình của truyền tải điện sau này đều vượt rừng. Nhà thầu nào làm tốt giai đoạn này thì đó là cơ hội ghi điểm cho các gói thầu về sau” – ông Kiên gợi ý.

Tiếp tục tháo gỡ các vị trí chưa bàn giao

ảnh 2

Lãnh đạo EVNNPT đi thị sát hiện trường dự án cụm giải tỏa công suất nhà máy Vân Phong – Ảnh: Duy Ngọc

Theo Ban A, đến nay với dự án xây dựng TBA 500 kV Vân Phong và đấu nối đã có 59/62 vị trí cột cùng 25/62 vị trí hành lang tuyến được bàn giao. Với đường dây 500 kV Vân Phong – Vĩnh Tân đã có 304/304 vị trí móng và 225/304 vị trí hành lang tuyến được bàn giao. Các vị trí chưa bàn giao mặt bằng đang tiếp tục được tháo gỡ. Hiện các dự án đang bước vào giai đoạn quan trọng và khó khăn nhất. Các khó khăn được đánh giá chủ yếu đến từ việc tuyến thi công đi qua nhiều vùng địa hình khó khăn gồm cả rừng phong hộ, đầm lầy lẫn các khu vực dân cư ken dày.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: