Phó tổng giám đốc EVN: Khi cổ phần hoá sợ nhất là định giá đất

Quy định liên quan về đất đai trong cổ phần hoá chưa rõ ràng khiến lãnh đạo Tập đoàn EVN cho biết dễ gặp rủi ro làm sai.

Tại Hội thảo về thúc đẩy quá trình cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp ngày 17/5, ông Nguyễn Xuân Nam, Phó tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), cho biết doanh nghiệp dễ vướng sai sót vì định giá.

Tập đoàn này theo kế hoạch đã phê duyệt sẽ phải cổ phần hoá 3 tổng công ty phát điện. Hiện EVN còn Tổng công ty phát điện 1 chưa cổ phần hoá được vì không đủ thời gian, phải xin chuyển sang giai đoạn tiếp theo.

Tổng công ty phát điện 1. Ảnh: EVN

Tổng công ty phát điện 1. Ảnh: EVN

Chia sẻ về các vấn đề Tập đoàn gặp phải, ông Nam cho biết việc xác định giá trị doanh nghiệp đang là nút thắt lớn. Đơn cử với vấn đề đất đai, ông Nam nói: “Đưa đất đai vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá sẽ tạo nhiều khó khăn. Vì giá thị trường mỗi ngày một khác, thay đổi liên tục. Vậy xác định giá đất của ngày nào cũng là vấn đề khó”.

“Chắc EVN cũng giống như các đơn vị khác sợ nhất là đánh giá giá trị để thoái vốn, trong đó sợ nhất là đất. Làm gì có thị trường để bán cả khuôn viên nhưng khi xác định giá phải dùng mặt bằng giá người dân đang giao dịch với mức thật cao để an toàn”, ông nói thêm. Điều này tạo hệ quả không có người mua nhưng doanh nghiệp không có cách nào khác vì sợ làm sai.

Ngoài ra, những yếu tố khác của doanh nghiệp, theo ông Nam cũng khó định giá. “Ví dụ EVN muốn xác định giá một tổ máy nhưng thị trường làm gì có. Vậy thì lấy công suất tương đương hay công suất thiết kế? Nếu lấy công suất tương đương thì thế nào là tương đương”, ông nêu.

Đánh giá hoạt động xác định giá trị của doanh nghiệp, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc nhìn nhận kết quả định giá thường thấp hơn giá trị thực tế, gây thất thoát, lãng phí.

“Việc xác định giá trị doanh nghiệp là rất quan trọng. Thời tôi làm Tổng kiểm toán Nhà nước, khi kiểm toán lại 45 doanh nghiệp thì giá trị tăng bình quân là 2,8 lần”, Bộ trưởng nói và cho rằng trong đó rủi ro lớn nhất đến từ đất đai.

Lấy ví dụ, Bộ trưởng cho biết việc tính giá đất một lần không sát với giá thị trường, hoặc có sát thì giá trị cũng sẽ thay đổi sau 10-20 năm. Hay với hình thức nộp tiền thuê đất một lần, doanh nghiệp cổ phần hoá cũng có thể chuyển đổi mục đích sử dụng đất để làm nhà đô thị, công trình khác. “Chuyển mục đích sử dụng đất dẫn đến xác định giá trị sử dụng đất không chính xác, dẫn tới thất thoát”, ông nói.

Theo Bộ trưởng, năm 2018, Quốc hội đã quyết định nghiêm cấm chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác. Hai năm sau, Chính phủ có Nghị định 140 sửa đổi chưa quy định rõ có được chuyển đổi đất hay không, khiến các địa phương lúng túng khi triển khai.

“Đây cũng là vấn đề cần nhận diện một cách chính xác, đúng cốt lõi vấn đề để tham mưu Chính phủ sửa đổi nhất quán về mặt luật pháp”, Bộ trưởng nói.

Để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hoá, Bộ trưởng Phớc nhìn nhận cần xem xét sửa đổi chính sách. Trong đó lưu ý phải có phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp chính xác. Ông cũng đặt vấn đề về việc có nên tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa hay thực hiện thuê đất hàng năm và giữ nguyên mục đích sử dụng đất đã được phê duyệt trước đó.

Nói thêm, ông cho biết, Nghị định 44 về phương pháp xác định giá đất có quy định 5 phương pháp. Tuy nhiên, 5 phương pháp này cho ra 5 kết quả khác nhau. Theo đó, Nghị định này sẽ sớm được Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên & Môi trường phối hợp sửa.

Đức Minh

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: