Thống kê hiện cho thấy tổng nợ khu vực tư rơi vào khoảng 138-140% GDP nền kinh tế. Mức nợ tư này tương đối cao so với khu vực tư của nhiều nước. Nếu khu vực tư không trả được nợ sẽ là vấn đề lớn.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường, kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính, cho rằng nợ vay khu vực tư nhân nếu không trả được sẽ là vấn đề lớn – Ảnh: Đ.T.
PGS.TS Vũ Sỹ Cường – kinh tế trưởng Viện Công nghệ và phát triển tài chính (Học viện Tài chính) – nhấn mạnh tại hội thảo công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam 2022, nâng cao nền tảng số cho ngành dịch vụ, do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức ngày 20-5 tại Hà Nội.
Theo ông Cường, mọi người hay nói về nợ công của Việt Nam nhưng nợ công của Việt Nam không phải là vấn đề quá lớn. Tính theo quy mô GDP mới, nợ công của Việt Nam còn cách xa ngưỡng 60% Quốc hội đề ra nhiều.
“Tôi cho rằng vấn đề nợ của các quốc gia chỉ xảy ra rủi ro khi không trả được. Vay nợ không phải là thách thức, vấn đề là trả nợ. Do đó khi đánh giá cần xem chúng ta có tiếp tục trả nợ được không. Ngưỡng nợ bao nhiêu phần trăm không phải là cái quá quan trọng”, ông Cường cho biết thêm.
Cũng theo vị chuyên gia này, ở nước ta tin tích cực là thu ngân sách vẫn còn tương đối tốt, chưa sụt giảm, do đó nguồn trả nợ không phải là vấn đề quá thách thức.
Tuy nhiên, ông Cường cho rằng nợ khu vực tư trong nước đang là câu chuyện. Thống kê hiện nay cho thấy nợ khu vực tư rơi vào khoảng 138 – 140% GDP nền kinh tế. Mức nợ tư này tương đối cao so với khu vực tư của nhiều nước.
Nếu khu vực tư vẫn tiếp tục trả được nợ, không gây ra các rủi ro khác thì không vấn đề gì. Nhưng “nếu khu vực tư không trả được nợ thì rơi vào bài toán giống như các doanh nghiệp phát hành trái phiếu không trả được, hay các doanh nghiệp vay nợ, dùng đòn bẩy tài chính lớn nhưng không trả được thì sẽ là câu chuyện lớn”.
Theo ông, nợ công tại Việt Nam chưa phải là câu chuyện quá lớn. “Với nợ công hiện nay chỉ có một thách thức là tỉ lệ trả nợ hằng năm/tổng thu thường xuyên của ngân sách nhà nước đã xấp xỉ ngưỡng rủi ro rồi nhưng vẫn dưới ngưỡng.
Chúng ta vẫn duy trì trả nợ đều đặn, vì vậy trong ngắn hạn nợ công chưa phải khó khăn, đặc biệt vài năm gần đây trái phiếu chính phủ huy động với lãi suất rất thấp, khoảng 2,82%/năm, không phải lớn”, ông Cường nói.
Trước đó, theo báo cáo tình hình nợ công năm 2021 và dự kiến năm 2022 được Chính phủ gửi đại biểu Quốc hội cuối năm trước, dự kiến nợ công năm 2021 hơn 3,7 triệu tỉ đồng, bằng 43,7% GDP.
Trong đó, nợ Chính phủ khoảng 3,35 triệu tỉ đồng, bằng 39,5% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu ngân sách nhà nước khoảng 24,8%.
Đáng lưu ý, tổng mức vay nợ hằng năm của ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2024 đều trên 500.000 tỉ đồng, trong đó năm 2024 dự kiến vay nhiều nhất, khoảng hơn 646.000 tỉ đồng.
Nợ công giai đoạn 2022-2024 dự kiến sẽ vượt mốc 4 triệu tỉ đồng, đến hết năm 2024 nợ công sẽ tiệm cận mốc 5 triệu tỉ đồng. Song nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách vẫn dao động ở mức 20-22%.
Nguồn: tuoitre.vn