Trong năm 2022 – 2023, ngân sách sẽ cấp bù 2% lãi suất cho doanh nghiệp có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong ngành du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống… 40.000 tỉ đồng sẽ được chuyển tới các doanh nghiệp thông qua ngân hàng.
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu được hỗ trợ 2% lãi suất, các doanh nghiệp sẽ sớm phục hồi sản xuất và phát triển mạnh mẽ hơn – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Triển khai nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Chính phủ vừa ban hành nghị quyết 11.
Theo đó, ngân sách sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỉ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng (NH) thương mại đối với các khoản vay cho doanh nghiệp (DN), HTX, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ và có khả năng phục hồi trong một số ngành, lĩnh vực.
Có thêm nguồn vốn để đầu tư
Ông Phạm Tiến Thắng, phó giám đốc Công ty CP thương mại du lịch Tây Bắc, cho hay rất mong mỏi gói hỗ trợ sớm được triển khai đến DN bởi DN đang gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19.
“Chi phí vốn được giảm 2%/năm sẽ giúp DN có thêm nguồn tài chính để đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh”, ông Thắng nói.
Ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN, cho rằng xuất khẩu thủy sản là một trong những nhóm ngành quan trọng và đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế trong nhiều năm qua. Do đó, nếu thuộc đối tượng được hỗ trợ lãi suất sẽ rất tốt.
Chị Nguyễn Thị Huyền, chủ nhà hàng trên đường Trần Hưng Đạo (Hà Nội), cho biết với khoản vay 500 triệu đồng với lãi suất 9%/ năm, nếu được hỗ trợ lãi suất 2% thì mỗi năm cũng giảm được một khoản.
Tuy nhiên, lãnh đạo nhiều đơn vị kinh doanh đều lo lắng về điều kiện để được hưởng cấp bù lãi suất. Theo ông Thắng, DN kinh doanh nhiều ngành nghề gồm vừa du lịch vừa kinh doanh thương mại… suốt 2 năm qua, do dịch COVID-19, không có doanh thu ở lĩnh vực du lịch, nên DN phải sống nhờ ngành nghề khác.
“Để khôi phục và phát triển ngành du lịch, chính sách hỗ trợ lãi suất cần dựa vào hồ sơ vay vốn. Vốn được NH giải ngân cho những ngành, lĩnh vực được cấp bù lãi suất, DN sẽ nhận được hỗ trợ 2%/năm. Còn nếu điều kiện đặt ra là DN không có nợ đang được cơ cấu, nợ xấu mới được tiếp cận chính sách hỗ trợ này thì sẽ rất khó khăn cho DN” – ông Thắng góp ý.
Giám đốc khối khách hàng DN một NH tại TP.HCM cũng cho rằng rất nhiều DN bị ảnh hưởng bởi dịch đang vướng nợ xấu, nếu không hạ chuẩn tín dụng thì những DN gặp khó khăn do dịch sẽ khó có cơ hội tiếp cận. Mặt khác, dù NH rất muốn hỗ trợ DN nhưng nếu chính sách không rõ ràng thì NH không dám cho vay bởi sợ trách nhiệm sau này.
“NH đã có kinh nghiệm trong đợt hỗ trợ lãi suất 4% từ năm 2009. Tiền hỗ trợ DN đã nhận nhưng sau này khi thanh tra, nếu sai đối tượng thì NH bị loại trừ chi phí này, không những ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh mà còn mệt mỏi điều chỉnh với thuế”, vị này nói.
Cần có hướng dẫn rõ ràng, chặt chẽ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng giám đốc một NH thương mại cổ phần tại TP.HCM cho biết các DN rất mong chờ gói hỗ trợ này để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi nhằm khôi phục sản xuất. Thế nhưng, NH cũng đang chờ hướng dẫn vì thiếu thông tin về gói hỗ trợ.
“Để chính sách phát huy tác dụng, đến đúng đối tượng, các NH mong muốn có cơ chế phù hợp và chính sách phải rõ ràng từ cấp Chính phủ, NH Nhà nước và triển khai đến các NH thương mại. Mặt khác, chính sách phải vận hành một cách rõ ràng, nếu không sẽ rất khó đi vào thực tiễn hoặc sẽ tạo ra những khó khăn hậu quá trình bù lãi suất như đợt trước đây. Đó là bài toán không dễ dàng”, vị này nói.
Một chuyên gia NH cũng cho rằng gói bù lãi suất này có mục tiêu là làm giảm chi phí tài chính cho những DN gặp khó khăn trong đại dịch, giúp DN phục hồi, hướng đến những ngành có đóng góp cho việc phục hồi kinh tế. Do vậy, quan trọng nhất là đối tượng phải cụ thể.
“Nếu có thể, Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng DN nào được cấp bù lãi suất để giảm áp lực cho các NH, giúp NH mạnh dạn cho vay”, vị này nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đào Minh Tú, phó thống đốc NH Nhà nước, cho biết cơ quan này đã được Chính phủ giao chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT trình Chính phủ ban hành nghị định hướng dẫn thực hiện hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với DN, HTX và hộ kinh doanh.
“NH Nhà nước đang phối hợp với các bộ liên quan để dự thảo nghị định, đồng thời trình Chính phủ cho áp dụng thủ tục rút gọn để ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn để có thể triển khai ngay cấp bù lãi suất sau khi văn bản được ban hành”, ông Tú cho biết.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng, quy mô gói hỗ trợ lãi suất tối đa là 40.000 tỉ đồng, áp dụng trong năm 2022 – 2023. Nếu trong 2 năm vẫn chưa giải ngân hỗ trợ hết 40.000 tỉ đồng cũng dừng lại. Trường hợp đến giữa năm sau, toàn bộ 40.000 tỉ đồng đã hỗ trợ hết, gói cấp bù này cũng sẽ dừng lại.
Các doanh nghiệp mong muốn gói hỗ trợ lãi suất sẽ sớm được triển khai – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Ngăn chặn chuyện trục lợi chính sách
Để khoản cấp bù lãi suất đúng địa chỉ và đối tượng được thụ hưởng, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia NH, đề xuất Bộ Tài chính nên là cơ quan phê duyệt đối tượng được cấp bù lãi suất bởi Bộ Tài chính hiểu rõ nhất tình trạng sức khỏe của DN qua tình hình nộp thuế. DN sẽ mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận phần cấp bù lãi suất nếu thuộc đối tượng được hưởng lợi từ chính sách này.
Trong khi đó, ông Đào Minh Tú cho rằng DN vay NH thương mại rồi mang hồ sơ sang Bộ Tài chính để nhận hỗ trợ cũng là một cách làm. Cách thứ hai là Bộ Tài chính có thể trao vốn cho NH để khi cho vay, NH sẽ trừ đi phần hỗ trợ lãi suất cho DN.
Nếu làm theo cách 1, NH rất nhẹ việc do không phải xác định đối tượng được hưởng hỗ trợ hay không. Nhưng thủ tục khá cồng kềnh, nhiều DN sẽ kêu. Do đó, việc chọn cách nào để triển khai cho vay hỗ trợ đúng đối tượng sẽ được Bộ Tài chính, NH Nhà nước, Bộ KH&ĐT thảo luận kỹ càng.
“Quan điểm của tôi là dù NH vất vả, phải thêm việc nhưng cũng phải cố gắng triển khai để tạo thuận lợi nhất cho DN” – ông Tú nhấn mạnh.
Trả lời báo chí mới đây, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết đối tượng hỗ trợ phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào một số ngành, lĩnh vực có khả năng phục hồi.
“Phải ngăn chặn tiền chảy vào chứng khoán, bất động sản, hay đem cho NH vay lại để hưởng lợi như trước đây thì khâu thực hiện phải được kiểm soát, giám sát chặt chẽ”, ông Dũng khuyến cáo.
Nhiều lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất
Ông Đào Minh Tú cho biết sau khi xác định vốn đầu tư đúng ngành, lĩnh vực, đối tượng được cấp bù lãi suất, ngân sách sẽ hỗ trợ 2% đến hết ngày 31-12 năm sau. “Tất nhiên là nguồn vốn hỗ trợ vẫn còn vì tối đa chỉ có là 40.000 tỉ đồng thôi”, ông Tú nói.
Theo nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, các đối tượng được hưởng gói hỗ trợ này là hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất bản phần mềm; lập trình máy vi tính và hoạt động liên quan; hoạt động dịch vụ thông tin; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Nguồn: tuoitre.vn