Lùi tăng lương tối thiểu vùng: Lại tranh cãi, bên nào cũng có lý của mình

Bên này bảo doanh nghiệp trả lương thấp sẽ khó tồn tại, nguy cơ bất ổn nếu trễ hẹn. Nhiều lao động đã phải rút tiết kiệm để xài. Bên kia cũng nói lùi thời gian đến năm 2023 để doanh nghiệp có điều kiện phục hồi sau đại dịch.

Lùi tăng lương tối thiểu vùng: Lại tranh cãi, bên nào cũng có lý của mình - Ảnh 1.

Nhiều người lao động mong muốn sớm tăng lương tối thiểu vùng vì vật giá leo thang. Trong ảnh: tại dây chuyền sản xuất của một doanh nghiệp phía Bắc – Ảnh: THANH HƯƠNG

Trước kiến nghị lùi áp dụng tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022 sang 1-1-2023 của 8 hiệp hội ngành hàng, sẽ giải quyết sao khi bên nào cũng có lý của mình.

8 hiệp hội cho rằng trong hai năm 2020 – 2021, dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến mọi mặt của doanh nghiệp, khiến họ kiệt quệ. “Lùi thời điểm áp dụng tăng lương tối thiểu vùng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị tốt nhất”, kiến nghị của 8 hiệp hội nêu.

Doanh nghiệp trả lương thấp sẽ khó tồn tại?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Quảng – phó Ban quan hệ lao động Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia – công nhận việc tăng lương sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy vậy, với cơ chế kinh tế thị trường và điều kiện cung – cầu lao động hiện nay, doanh nghiệp muốn duy trì chính sách tiền lương thấp thì doanh nghiệp đó “khó tồn tại” và đứng trước nguy cơ “tự đào thải”.

“Tăng lương giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất, thu hút lao động, động viên lao động gắn bó tốt hơn với người sử dụng lao động”, ông Quảng nhấn mạnh.

“Đáng lẽ việc tăng lương tối thiểu vùng đã phải thực hiện từ 1-1-2021, nhưng do dịch COVID-19 nên lùi lại để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp”, ông Quảng nói thêm.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ Lao động – thương binh và xã hội), nguyên ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia – chia sẻ rằng việc tăng lương từ 1-1-2023 sẽ phù hợp hơn tăng lương tối thiểu vùng từ 1-7-2022.

Theo bà Hương, việc cần làm hiện nay là Chính phủ tiếp tục phát huy các biện pháp kích cầu nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và quan tâm đến nhóm lao động tự do, không có giao kết hợp đồng…

Vị chuyên gia này cảnh báo nếu tăng lương tối thiểu vùng thì doanh nghiệp có thể khó khăn trong mở rộng sản xuất, nhiều lao động có nguy cơ mất việc do quỹ lương phình to.

“Giả định tăng lương tối thiểu vùng 1% thì tổng chi phí của doanh nghiệp có thể tăng cao hơn 1%. Việc cần hiện nay là ưu tiên phục hồi toàn bộ thị trường lao động chứ không chỉ tăng lương để hỗ trợ nhóm lao động chính thức”, bà Hương nói.

Nguy cơ bất ổn nếu trễ hẹn

TS Vũ Minh Tiến – viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn, ủy viên Hội đồng Tiền lương quốc gia – đánh giá nếu kéo dài thời điểm tăng lương sang 1-1-2023 sẽ kéo theo “trễ hẹn” tăng lương cho người lao động tới 24 tháng.

Dẫn khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ ra 84% doanh nghiệp sẵn sàng khắc phục khó khăn khi tăng lương cho người lao động từ 1-7-2022, ông Tiến cảnh báo nếu kéo dài thời gian tăng lương nữa sẽ có nguy cơ bất ổn trong quan hệ lao động như ngừng việc tập thể.

Nhiều lao động đã phải rút tiết kiệm để chi tiêu

Theo khảo sát của Viện Công nhân và công đoàn năm 2021, tại 8 tỉnh thành và một số công đoàn ngành, tổng công ty, đến quý 3-2021 thu nhập bình quân tháng của người lao động là 5,2 triệu đồng, giảm 877.000 đồng so với quý trước và giảm 603.000 đồng so với cùng kỳ năm 2020. Nhiều người lao động phải sử dụng tiền tiết kiệm của gia đình hoặc cá nhân, vay lãi suất cao, rút sổ bảo hiểm xã hội một lần…

Anh Trương Tấn Bửu (43 tuổi), công nhân may Khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM), cho hay năm nào công nhân cũng chờ tăng lương vào dịp đầu năm mà hai năm vừa rồi đều không tăng. Dịch giã lại nghỉ việc 3 – 4 tháng liền, có bao nhiêu tiền tích cóp, dành dụm đều đã cạn từ lâu. Nhiều người khó khăn hơn thì phải đi vay mượn mới đủ trang trải, nên giờ ai cũng mong. “Chúng tôi cũng hiểu sau dịch thì công ty còn nhiều khó khăn, nhưng đến nay thấy hàng hóa cũng đều tăng, sau Tết đến giờ công ty đã có hàng cho công nhân tăng ca. Trong khi đời sống thì càng khó khăn, đi chợ thấy cái gì cũng tăng giá. Nếu tiếp tục không tăng lương thì chắc nhiều người không cầm cự nổi, những người đang ở quê họ cũng chẳng muốn lên làm lại”.

V.THUỶ – H.Q.

Nhiều lý do cho lùi tăng lương

Là doanh nghiệp trong ngành may – lĩnh vực có kiến nghị tới Thủ tướng về lùi thời điểm tăng lương tối thiểu vùng, ông Nguyễn Đức Thăng, giám đốc điều hành Tổng công ty May Đáp Cầu, cho hay tình hình dịch bệnh COVID-19 vừa qua tác động rất lớn đến doanh nghiệp. Trung Quốc đang áp dụng chính sách “zero COVID”, nên việc nhập nguyên liệu bị gián đoạn. Lạm phát thế giới tăng cao, các chi phí đầu vào đều tăng, nên doanh nghiệp gần như không có lãi.

“Đến nay, đơn hàng mới cũng khó khăn. Nhà nhập khẩu đang có xu hướng ép để giảm giá gia công từ 20 – 25%. Tăng giá cũng khó để hàng xuất khẩu cạnh tranh và thu hút đơn hàng” – ông Thăng than thở khi các chi phí đầu vào như xăng dầu, vận tải… đều tăng.

Theo tính toán, chi phí lương tối thiểu nếu áp dụng từ 1-7 có thể khiến chi phí đầu vào tăng thêm 3 – 5%, trong khi với ngành may, chi lương có thể chiếm tới 68% tổng chi phí. Đồng ý với việc tăng lương tối thiểu vùng nhưng ông Thăng cho rằng thời gian áp dụng nên đến năm 2023 để doanh nghiệp có chuẩn bị và phục hồi tốt hơn.

N.AN

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: