Ông Lý Ngọc Minh tiết lộ những bí quyết giúp một người không qua trường lớp bài bản như ông có thể học tắt, đón đầu công nghệ trong ngành gốm sứ.
“Làm sản phẩm giống như một gánh tuồng. Nếu muốn thành công trên sân khấu cần hội đủ nhiều yếu tố, trong đó, quan trọng là diễn viên giỏi. Mình làm đạo diễn giỏi mà không có diễn viên giỏi thì không thể nào làm được”, ông Lý Ngọc Minh, Tổng giám đốc Gốm sứ Minh Long nói với ông Lê Trí Thông và bà Trương Lý Hoàng Phi – hai Host tại chương trình The Next Power phát sóng trên VnExpress sáng 19/5.
Cụ thể trong nghề làm gốm, ông Lý Ngọc Minh lý giải “diễn viên” ở đây những nguyên liệu có chất lượng tốt, tư chất tốt. Tìm ra được “diễn viên” giỏi xong còn phải về đào tạo. Cụ thể với cục đất, hòn đá, ông “đào tạo” thông qua quá trình tôi luyện, nung và làm thành sản phẩm tốt.
Một trong những sản phẩm mà ông tâm đắc, thành quả của quá trình 15 năm chọn “diễn viên”, thêm 5 năm “đào tạo” và tôi luyện là sứ dưỡng sinh. “Cả quá trình ‘vừa diễn, vừa dợt, vừa học’ cho ra sản phẩm cuối cùng cho tới hôm nay là 20 năm, để ra được câu chuyện mà các bạn thấy như luộc không nước, chiên nhiệt độ thấp…”, ông Lý Minh Long chia sẻ.
Ông Lý Ngọc Minh trở thành ông chủ bất đắc dĩ, gánh vác lò gốm gia đình từ năm 16 tuổi do ba mất sớm, mẹ bệnh phải nằm viện. Không được học hành và đào tạo bài bản, ông đã tự chọn cho mình con đường “học tắt” để đón đầu công nghệ. Từ lò gốm thủ công, ông chọn chuyển sang con đường gốm mỹ nghệ, và tự mở các phòng thí nghiệm, nghiên cứu chất men mới, loại sản phẩm mới.
Ông cho biết, hiện nay Minh Long đã có thể hoàn thiện quy trình nung một lần, cho ra được sản phẩm chất lượng như châu Âu. Đây là thành quả của quá trình cách mạng, học hỏi không ngừng. “Từ công nghệ nung một lần chúng tôi tiến tới sản xuất tự động hoá, nhanh hơn nhiều nước khác, trước kia khâu sản xuất mất 72 tiếng, nay chỉ mất 24 giờ nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Đây là minh chứng cho thấy công nghệ sáng tạo mang lại sự đột phá trong sản xuất”.
Nói về tính nghiên cứu và sáng tạo, ông Lý Ngọc Minh cho hay mỗi sản phẩm đột phá thường mất ít nhất là 3 đến 10 năm nghiên cứu và sáng tạo. Để có thể tạo ra các sản phẩm mới liên tục, công ty làm song song cùng lúc nhiều sản phẩm.Chiến lược này đã thắp sáng ngọn lửa sáng tạo tại doanh nghiệp trong suốt 50 năm qua, chỉn chủ trong từng sản phẩm trước khi thực sự đưa vào sản xuất, phục vụ khách hàng.
Học tắt nhưng phải học sâu
Từ một người không được đào tạo bài bản, đến vị thế của người đứng đầu, chịu trách nhiệm và đưa ra nhiều đổi mới trong sản phẩm và công nghệ của doanh nghiệp, ông Lý Minh Long đã trải qua quá trình học hỏi không ngừng, và đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của chiến lược “học tắt”.
Ông cho biết, không ai có thể chỉ “tấp ngang” là có thể biết đường mà đi, học tắt trong quan điểm của ông là mày mò, học từ những người giỏi nhất. Trong mỗi lĩnh vực, từ vật lý, nguyên liệu, đến máy móc thiết bị, ông đều tìm đến những người am hiểu nhất, tìm kiếm những kiến thức hay để học hỏi. Điều quan trọng là dung nạp những kiến thức đó và “tiêu hoá”, biến thành của mình.
“Sau 50 năm tôi ngộ ra một điều rằng chúng ta phải tìm hiểu được nguyên lý vận hành của kiến thức, công nghệ mà mình đang học hỏi và tìm hiểu. Nếu chúng ta không hiểu được nguyên lý vận hành thì không thể nào cấu trúc được hoạt động của mình cho phù hợp”, vị doanh nhân nhấn mạnh. Chiến lược “học tắt” nhưng am hiểu được nguyên lý, cấu trúc vận hành đã giúp doanh nghiêp có được “vốn” cần có để sáng tạo và sản xuất nhiều sản phẩm mới.
Ông Lý Ngọc Minh cũng nhận định, một trong những điều khó của Minh Long hiện nay là vị thế đứng trên đỉnh cao, nếu muốn chinh phục đỉnh cao khác thì phải xuống núi và bắt đầu một hành trình chinh phục khác. Giá thành của các sản phẩm đạt được “đỉnh cao về khoa học, kỹ thuật” không phải là rẻ, trong khi khả năng mua của người tiêu dùng lại bị giới hạn. Ông chấp nhận sự tồn tại của khó khăn và đặt mục tiêu học hỏi thị trường, xã hội một cách không ngừng nghỉ để chinh phục khách hàng.
Doanh nghiệp cũng đầu tư lớn khâu sáng tạo sản phẩm, điều này cũng được nhìn nhận là một trở ngại của doanh nghiệp. “Khi đầu tư quá lớn, chi phí lớn mà thị trường không đủ, sản lượng không đáp ứng được thì đó cái bẫy. Chúng ta phải chấp nhận cái khó và tìm cách nào để thích nghi. Không có cái khó thì chúng ta không thể sáng tạo”, người đứng đầu doanh nghiệp nhấn mạnh.
Thảo Miên
The Next Power là chương trình tiên phong khai phá sức mạnh mới, kiến tạo giá trị mới cho doanh nghiệp. Cố vấn và đồng thời Host chương trình là doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch HĐQT & CEO IBP và ông Lê Trí Thông – Phó Chủ tịch HĐQT & CEO PNJ. Nội dung mùa 1 tập trung vào các câu chuyện về đổi mới và sáng tạo – Innovation. Chương trình do VnExpress phối hợp với S-World Media thực hiện có sự đồng hành của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình và thương hiệu Mon Amie Veston. |
Nguồn: vnexpress.net