Sông Tiền, đoạn tiếp giáp hai tỉnh Tiền Giang – Vĩnh Long được coi là “túi cát miền Tây” với trữ lượng hàng chục triệu mét khối đang bị “cát tặc” cày xới ngày đêm.
Một tàu hút cát được phóng viên Tuổi Trẻ đeo bám khi đang hút trộm cát trên sông Tiền – ẢNH: TIẾN TRÌNH
Phóng viên Tuổi Trẻ đã “mật phục”, theo chân các đội “tàu ma” để ghi nhận hoạt động khai thác cát trái phép trên đoạn sông này. Và chúng tôi không khỏi bất ngờ khi phát hiện một lượng lớn cát lậu hút trên đoạn sông này được dùng để thi công một công trình giao thông trọng điểm ở Vĩnh Long…
Cát ngày và cát đêm
Dòng Mekong chảy qua TP Vĩnh Long đến cù lao An Bình chia nhánh chảy ra biển. Chi lưu phía hữu ngạn là sông Cổ Chiên. Dòng chính chảy qua địa phận Bến Tre tiếp tục chia nhánh chảy ra biển với nhánh phụ nằm giữa huyện Mỏ Cày và huyện Giồng Trôm là sông Hàm Luông. Trong quá trình diễn tiến, phù sa bồi lắng tạo ra những cồn cát với trữ lượng rất lớn.
Trong đó, đoạn sông nơi dòng Mekong chia ra thành sông Cổ Chiên, khu vực gần Cù lao An Bình được đánh giá có trữ lượng cát cực lớn đủ để “có mức ảnh hưởng đến giá cát trong khu vực”. Dân buôn bán cát trong vùng mách nhau rằng, nếu các mỏ cát ở khu vực này “rút vòi” một ngày đêm thì giá cát sẽ “nhảy múa”. Đây cũng chính là địa bàn có đội “tàu ma” hoạt động rầm rộ gần như suốt ngày đêm ở những mỏ cát chưa được cấp phép.
Gọi “tàu ma” vì nó hoạt động ẩn mình trong bóng đêm và được bảo vệ bởi các tàu cảnh giới. Nếu có tín hiệu nghi ngờ được phát đi từ tàu cảnh giới, ngay lập tức các “tàu ma” tắt máy và biến nhanh vào bóng đêm.
Mặc dù ngay tại đoạn sông gần chân cầu Mỹ Thuận, không khó để bắt gặp đội tàu hút trộm cát ngang nhiên hoạt động giữa ban ngày. Các tàu này hút mỏ cát ở phía bờ gần Tiền Giang rồi vượt sông bơm cho những sà lan đậu phía bờ Vĩnh Long.
Chúng tôi đem những hình ảnh ghi được từ các tàu hút trộm cát giữa ban ngày, những người làm nghề cát ở đây lắc đầu. “Mấy tàu này chỉ là thiếu nhi. Mấy ông kẹ hút ban đêm mới ghê gớm. Họ có đường dây, tổ chức hẳn hoi”, một “thổ địa” bật mí đầy bí hiểm.
Trong nhiều ngày có mặt trên sông Tiền, với nhiều tàu ghe khác nhau để vượt qua hàng rào cảnh giới, chúng tôi cũng tiếp cận với đội “tàu ma” mà giới buôn cát nhắc tới.
Dù đã được nói từ trước, nhưng khi tiếp cận “tập đoàn” hút cát lậu trong đêm trên sông Tiền, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng. Tiếng động cơ gầm rú của hàng chục tàu sắt lớn giăng hàng hút cát như xé toang màn đêm.
Khi hoạt động, các tàu này tắt đèn. Thỉnh thoảng xuất hiện ánh đèn pin kiểm tra vòi hút rồi tắt vội, hoặc soi xung quanh để kiểm tra động tĩnh. Hầu hết những tàu này gắn máy hút công suất lớn và đều không mang biển kiểm soát.
Các tàu sau khi hút cát trộm bơm thẳng cát lên công trình đường Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) – ẢNH: PV
Bất ngờ đường đi của “cát tặc”
Nhiều đêm theo chân các đội “tàu ma” này, chúng tôi ghi nhận quy luật hoạt động: từ 22h hôm trước đến gần 1h sáng hôm sau là thời điểm tàu hoạt động gần như hết công suất để hút cho đầy rồi rút vòi. Tàu nào không hút kịp thì tăng tốc bơm, đến 3h, 4h sáng thì phải biến khỏi bãi cát, trả lại khúc sông vắng lặng như chưa từng có đội “tàu ma” quần nát ở đây.
Sau khi no cát ở khu vực gần cồn Đồng Phú, các tàu hút ngược dòng về hướng thượng nguồn, rồi rẽ trái vào cửa sông Cổ Chiên. Khi nhập vào sông Cổ Chiên được một đoạn khoảng 1km, các tàu này lại rẽ phải vào sông Cái Cam, thuộc phường 9, TP Vĩnh Long.
Thời điểm này, nước đang ròng sát. Do sông Cái Cam khá nhỏ nên các sà lan hút cát phải neo dưới chân cầu Cái Cam chờ nước lớn mới có thể tiếp tục hành trình.
Khi mặt trời vừa lên, cũng là lúc các tàu chở cát hút trộm kết nối với đường ống thọc ra tới tận bờ sông Cái Cam. Lần lượt, các tàu nổ máy bơm cát lên theo đường ống này.
Khi các tàu đang bơm cát, chúng tôi men theo những đường ống này và thật bất ngờ khi thấy cát trên các tàu hút lậu được ào ạt bơm trực tiếp lên đại công trình đường Võ Văn Kiệt, đoạn Trường An – Tân Ngãi, đang thi công công đoạn san lấp mặt bằng. Tại đây, các tàu hút cát lậu lần lượt “xếp tài” bơm lên, theo đường ống có sẵn.
Phần lớn những tàu này đều không mang biển kiểm soát. Trong nhiều ngày bám theo những tàu này, phóng viên Tuổi Trẻ đã ghi nhận một lượng cát cực lớn được hút trộm và bơm trực tiếp lên đây. Sau khi bơm hết cát hút trộm lên công trình, các tàu hút neo lại ở bờ sông Cái Cam, chờ đến trời tối lại đi hút trộm cát.
Những ngày tiếp cận các nhóm “cát tặc”, chúng tôi thường nghe nhắc đến những cái tên cộm cán ở các mỏ cát trên sông Tiền như: S. “lắc”, T. “đen”, S. “quắn”… là những đầu nậu đứng ra bảo kê cho các tàu hút.
Đường đi của các tàu hút cát lậu từ mỏ cát trên sông Tiền đến công trình đường Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) – Ảnh: TIẾN TRÌNH
Làm việc với phóng viên Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin về nguồn cát lậu được san lấp vào công trình đường Võ Văn Kiệt – một dự án giao thông trọng điểm được ngân sách tỉnh đầu tư. “Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và xử lý nghiêm”, vị lãnh đạo này hứa.
Cũng theo vị này, nhà thầu thi công tại công trình đường Võ Văn Kiệt là liên danh Công ty cổ phần sản xuất công nghiệp Xây lấp 3, Công ty TNHH Tuấn Hiền (Công ty Tuấn Hiền) và doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Nguyễn Trình. Trong đó, chỉ có Công ty Tuấn Hiền là doanh nghiệp có trụ sở tại Vĩnh Long cũng là nhà thầu chịu trách nhiệm với phần san lấp mặt bằng.
Từ thông tin này, phóng viên Tuổi Trẻ đã nhiều lần liên lạc với ông Phạm Thế Hiền, người đại diện pháp luật của Công ty Tuấn Hiền, để xác minh vụ việc. Tuy nhiên, ông Hiền luôn cáo bận.
Một lãnh đạo Ban quản lý dự án Công trình giao thông tỉnh Vĩnh Long – chủ đầu tư dự án đường Võ Văn Kiệt – cho biết nhà thầu không cung cấp hợp đồng nguồn cát san lấp cho công trình trên.
Tuy nhiên trong hồ sơ thầu mà ban quản lý thông tin thì cát san lấp cho công trình đường Võ Văn Kiệt là do Công ty TNHH-TVXD Lợi Phát (Công ty Lợi Phát), có địa chỉ tại thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cung cấp cho liên danh nhà thầu. Nguồn cát, theo hồ sơ thầu, lấy từ mỏ cát ở xã Bình Thạnh, huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.
Tiếp tục xác minh nguồn cát, thêm một bất ngờ khác xảy ra khi đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp cho biết không hề có chuyện cát của Đồng Tháp cung cấp cho công trình ở Vĩnh Long.
“Nhu cầu cát để phục vụ các công trình trong tỉnh Đồng Tháp còn không đủ. Chúng tôi chỉ cung cấp cát cho công trình trọng điểm quốc gia, trên cơ sở được lệnh của lãnh đạo UBND tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi không có chủ trương bán cát để phục vụ công trình ngoài tỉnh. Tất nhiên, không có chủ trương bán cát để san lấp công trình đường Võ Văn Kiệt bên Vĩnh Long”, đại diện Sở TN-MT tỉnh Đồng Tháp cho biết.
Theo Sở TN-MT Đồng Tháp, các mỏ cát trên địa bàn xã Bình Thạnh do Công ty Xây lắp và vật liệu xây dựng tỉnh Đồng Tháp quản lý. Tuy nhiên, công ty này không hề có hợp đồng bán cát nào cho Công ty Lợi Phát ở địa chỉ nêu trên.
Như vậy thông tin về nguồn cát tại hồ sơ thầu mà chủ đầu tư đường Võ Văn Kiệt thông tin cho phóng viên Tuổi Trẻ là không chính xác.
Phóng viên Tuổi Trẻ đã trở lại làm việc với Sở TN-MT tỉnh Vĩnh Long. Tại đây, chúng tôi cũng được trả lời: “Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Long không có chủ trương cấp phép khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh để phục vụ công trình đường Võ Văn Kiệt”.
Vậy nguồn cát để thi công công trình đường Võ Văn Kiệt từ đâu mà có, phải chăng từ nguồn cát lậu hút trên sông Tiền như ghi nhận của phóng viên Tuổi Trẻ? Việc này cần cơ quan chức năng tỉnh Vĩnh Long sớm làm rõ.
Một tàu hút cát được phóng viên Tuổi Trẻ đeo bám khi đang hút trộm trên sông Tiền – Ảnh: TIẾN TRÌNH
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long chỉ đạo công an vào cuộc
Trước những thông tin điều tra được về thực trạng khai thác cát trái phép trên sông Tiền, phóng viên Tuổi Trẻ đã liên lạc với ông Lữ Quang Ngời – chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long. Ông Ngời khẳng định ai làm sai thì sẽ bị xử lý. Đồng thời, ông đã chỉ đạo lãnh đạo Công an tỉnh vào cuộc.
Tiếp xúc với phóng viên Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an tỉnh Vĩnh Long thừa nhận, nạn khai thác cát trái phép trên sông đang là vấn đề nhức nhối tại địa phương.
Thời gian qua, Công an Vĩnh Long có triệt phá một vài trường hợp khai thác cát trái phép, đưa ra xử lý trước pháp luật. Tuy nhiên, nạn khai thác cát trái phép vẫn tiếp diễn với thủ đoạn tinh vi, có tổ chức, thậm chí phe cát lậu còn cử người cảnh giới cả lực lượng chức năng, nên rất khó khăn để triệt phá.
Tàu được phóng viên Tuổi Trẻ đeo bám sau khi hút đầy cát đang chui vào sông Cái Cam – Ảnh: MAI ĐÌNH
Cát tàu sau khi hút cát trộm bơm cát thẳng lên công trình đường Võ Văn Kiệt – Ảnh: MAI ĐÌNH
Nguồn: tuoitre.vn