Ấn Độ mới đây đã công bố một loạt thay đổi đối với cơ cấu thuế đánh vào các mặt hàng quan trọng nhằm bảo vệ người tiêu dùng trước đà tăng cao của lạm phát.
Người dân nghèo Ấn Độ được trợ cấp 200 rupee/bình gas nấu ăn. Ảnh: bbc.com
Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ Nirmala Sitharaman đã thông báo giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng 8 rupee (0,1028 USD)/lít và 6 rupee/lít đối với dầu diesel. Chế độ thuế mới đối với xăng và dầu diesel có thể khiến chính phủ thất thu thuế khoảng 1.000 tỉ rupee/năm.
Chính phủ Ấn Độ cũng loại bỏ thuế nhập khẩu than antraxit, than PCI và than cốc nhằm giảm chi phí nguyên liệu tại thị trường nội địa. Các biện pháp mới trên sẽ có hiệu lực từ ngày 22/5. Hiện giá xăng tại New Delhi đứng ở mức 105,41 rupee/lít, trong khi giá dầu diesel đứng mức 96,67 rupee/lít.
Bên cạnh đó, chính phủ cũng sẽ cung cấp khoản trợ cấp 200 rupee/bình gas nấu ăn cho hơn 90 triệu người theo một chương trình phúc lợi dành cho phụ nữ sống dưới mức nghèo khổ. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Ấn Độ đang nỗ lực giảm thuế đối với nguyên liệu thô cho các sản phẩm nhựa để hạ giá thành sản phẩm.
Các chuyên gia nhận định, những động thái mới nhất có thể sẽ làm gia tăng lo ngại về tình hình tài khóa và làm dấy lên nghi ngờ về việc chính phủ có thể đạt mục tiêu giảm thâm hụt xuống 6,4% GDP cho giai đoạn 2022-2023.
Tuy nhiên, lạm phát đã trở thành một vấn đề lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi trước thềm cuộc bầu cử trong năm nay. Theo ông Modi, các quyết định liên quan đến việc giảm đáng kể giá xăng và dầu diesel, sẽ tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực khác nhau và mang lại hỗ trợ cho người dân Ấn Độ.
Lạm phát tăng mạnh đồng nghĩa với việc chi phí đầu vào leo thang đối với các doanh nghiệp. Đà tăng của lạm phát đã buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất tại một cuộc họp chính sách bất thường trong tháng này.
Nguồn: tuoitre.vn