Hà TĩnhSau khi nhiều lãnh đạo vướng lao lý, Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà tái cơ cấu, nay đã nhập 1.300 con bò về nuôi, sắp xuất bán lứa đầu tiên.
Ngày 26/5, tại buổi họp báo, lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Tĩnh cho biết, Công ty cổ phần chăn nuôi Bình Hà đã xây dựng đề án tái cơ cấu và đề xuất điều chỉnh dự án, được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương hồi tháng 5/2021.
Theo đó, doanh nghiệp được điều chỉnh quy mô ban đầu hơn 254.000 con mỗi năm xuống còn 35.000 con. Tổng mức đầu tư từ hơn 4.000 tỷ đồng xuống còn 1.800 tỷ đồng. Được phép bổ sung trồng các loại dứa, ngô, cây ăn quả, cỏ, dược liệu… Công ty cũng giảm diện tích dự án ở các khu đất thuộc hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh từ hơn 2.000 ha xuống còn hơn 1.200 ha.
Thời điểm này, Bình Hà đã nhập 1.300 con bò về khu chăn nuôi tại xã Lâm Hợp, huyện Kỳ Anh, trồng thí điểm 50 ha dứa MD2. Ngoài ra, công ty còn trồng 100 ha sắn, 40 ngô sinh khối, cỏ dược liệu làm thức ăn cho bò.
Ông Võ Phi Long, Tổng giám đốc Công ty Bình Hà cho biết, lần tái nuôi này đơn vị gặp nhiều khó khăn bởi thị trường tiêu thụ không ổn định, ngoài ra nhiều yếu tố khách quan, chủ quan về kinh tế, xã hội cũng kìm hãm sự phát triển. Trong tháng 5, họ dự kiến xuất bán hết lứa bò 1.300 con nhập về đợt một, sang tháng 6 sẽ nhập mới thêm 5.000 con về nuôi giai đoạn hai.
“Chúng tôi đang dần ổn định lại sau nhiều biến cố, nên mọi đánh giá về tính khả thi và hiệu quả còn hơi sớm”, ông Long nói.
Trước đó, năm 2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Chăn nuôi Bình Hà thực hiện dự án nuôi bò giống và bò thịt trên diện tích hơn 2.000 ha, tại hai huyện Cẩm Xuyên và Kỳ Anh. Tổng mức đầu tư của dự án là 4.223 tỷ đồng, quy mô 254.000 con bò một năm.
Từ khi được cấp phép đầu tư, Công ty Bình Hà xây 65 chuồng trại, hai khu nhà điều hành, 19 kho chứa và các công trình phụ trợ, trồng được cỏ trên diện tích 678 ha.
Dự án chỉ đạt quy mô gần 15.000 con bò mỗi năm, đã xuất bán khoảng 43.000 con sau khi vỗ béo, lượng bò nhập về thả nuôi giảm dần theo từng năm. Cuối tháng 3/2017, dự án ngừng nuôi, hệ thống chuồng trại bỏ không. Cùng năm, công ty Bình Hà đã phá cỏ, làm đất trồng chuối trên diện tích 200 ha đất. Nhà chức trách Hà Tĩnh đánh giá việc chuyển đổi sang trồng chuối là trái quy định.
Năm 2018-2019, điều tra vụ đại án xảy ra tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV và Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV, đã chết), Trần Lục Lang (cựu Phó tổng giám đốc), Kiều Đình Hòa (cựu Giám đốc BIDV Hà Tĩnh), Lê Thị Vân Anh (cựu Trưởng phòng khách hàng BIDV Hà Tĩnh) cùng nhiều cán bộ khác về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Các ông Đinh Văn Dũng và Trần Anh Quang (cựu Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi Bình Hà) cũng bị bắt về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo buộc, năm 2015 đến 2018, BIDV Hà Tĩnh đã giải ngân cho Bình Hà vay hơn 2.600 tỷ đồng song không kiểm soát được dòng tiền. Các cổ đông của Bình Hà sử dụng vốn vay không đúng mục đích, thông qua các nhà thầu chiếm đoạt và chiếm dụng tiền giải ngân, gây thiệt hại cho BIDV gần 800 tỷ đồng.
Nguồn: vnexpress.net