Manh nha chuyển đổi số lên ‘vũ trụ ảo’

Dù “vũ trụ ảo” (metaverse) ở Việt Nam chủ yếu là các dự án game nhưng doanh nghiệp truyền thống vẫn có triển vọng tận dụng nó khi chuyển đổi số.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về metaverse, nhưng một mô tả dễ hình dung và chung nhất, đó là một không gian ảo, nơi chúng ta có một định danh tồn tại song song với môi trường thực và được hỗ trợ bởi các thiết bị công nghệ thực tế ảo.

Ở Việt Nam, từ khi Axie Infinity – game metaverse do người Việt phát triển – tạo tiếng vang trên cộng đồng thế giới, lĩnh vực metaverse càng sôi nổi phát triển. Rất nhiều dự án mới ra đời, với một số gọi được hàng triệu USD từ vòng hạt giống. Tuy nhiên, hầu hết dự án đều thuộc mảng game.

Giữa bối cảnh đó, một xu hướng khác cũng đang dần manh nha. Đó là việc các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực truyền thống bắt đầu để mắt đến metaverse trong quá trình chuyển đổi số.

Chia sẻ tại tọa đàm “Doanh nghiệp Việt với cơ hội metaverse” thuộc chuỗi “Metaverse in Asia” ngày 25/5, ông Cris D Trần, Đồng sáng lập FAM Central, Giám đốc chiến lược M3TA, và là một chuyên gia quen thuộc trong cộng đồng blockchain, cho biết thị trường đã có những ví dụ cụ thể về xu hướng này.

Ông cho biết, một hãng bia nước ngoài đang xây dựng dự án metaverse với đội ngũ đặt tại Việt Nam. Trong khi đó, một ngân hàng cũng đang có dự án mở thẻ trực tuyến cho khách hàng qua hình thức metaverse, hướng đến một môi trường giao dịch ảo hoàn thiện hơn. “Dự án này sắp được công bố”, ông Cris D Trần nói.

Hầu hết người dùng Internet đã từng tham gia vào những môi trường được ví von là một dạng “metaverse định dạng 2D” như khi chơi game hay dùng mạng xã hội. Nhưng một metaverse thực thụ mà giới công nghệ đang đề cập sẽ được xây dựng trên 3 trụ cột công nghệ là blockchain, thực tế ảo và Web3.

Thị trường Việt Nam cũng đã được các đơn vị cung cấp những giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp ứng dụng blockchain – một công nghệ trụ cột của metaverse – như FPT hay Viettel, xoay quanh các giải pháp về xác thực thông tin, định danh, quản lý hồ sơ.

Hay như một vài doanh nghiệp, người nổi tiếng ứng dụng blockchain để chuyển đổi số ở khâu bán hàng hoặc huy động vốn. Họ tung ra các bộ sưu tập NFT hoặc bán các cổ phần cho một dự án kinh doanh, chia nhỏ sở hữu một bất động sản bằng NFT.

Dù là ứng dụng một phần như dùng blockchain hay có kế hoạch xây dựng hẳn một dự án metaverse hoàn chỉnh, theo các chuyên gia, việc tận dụng xu hướng mới này sẽ mở ra nhiều cơ hội. Ông Cris D Trần chỉ ra 3 điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, metaverse giúp doanh nghiệp truyền thống kết nối với đối tác, tiếp xúc tập khách hàng mới mà trước nay không thể vì cách trở bởi không gian, thời gian, chi phí. Thứ hai, họ có thể bán được những sản phẩm mới, vốn dĩ không bán được ở thế giới truyền thống hoặc chưa tồn tại. “Ngày càng có những sản phẩm số 100% không tồn tại ở đời thực”, ông nói.

Và thứ ba chính là dữ liệu. Thế giới metaverse giúp doanh nghiệp có được một nguồn dữ liệu đồ sộ hơn những gì thu thập được từ thế giới truyền thống hay Web2. Trong kỷ nguyên dữ liệu ví như “dầu mỏ mới” thì đó là lợi thế cạnh tranh.

Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Saigon Innovation Hub (Sihub) đánh giá,
metaverse mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trước làn sóng mới về chiến lược tiếp thị trực tuyến và giành thị phần trong cả hai thế giới thực và ảo song song.

Tuy nhiên, chuyển đổi số lên metaverse sẽ có những thuận lợi và khó khăn riêng. Về mặt thuận lợi, Việt Nam được đánh giá là không thua kém thế giới về trình độ làm blockchain, metaverse.

“Giới trẻ của mình có hiểu biết, xuất phát điểm tương đồng thế giới về các công nghệ này. Nguồn lực để phát triển cũng có thể tận dụng nguồn lực toàn cầu chứ không hẳn phụ thuộc vào nội địa nữa”, ông Chu Quang Thái, Thường trực phía Nam Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia (NSSC), nhận xét.

Một số thuận lợi khác bao gồm xu hướng chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp, và người Việt cũng rất quan tâm đến các công nghệ mới như blockchain, thực tế ảo. Ngoài ra, thị trường metaverse – vốn hầu như không có ngăn trở về biên giới – cũng được dự báo bùng nổ, với giá trị toàn cầu có thể lên đến hàng trăm đến hàng nghìn tỷ USD. Theo Statista, thị trường vũ trụ ảo toàn cầu trị giá 38,85 tỷ USD vào năm 2021 và sẽ đạt 47,48 tỷ USD năm nay, trước khi tăng đến 678,8 tỷ USD vào 2030.

“Sân chơi này tạo ra cơ hội tăng trưởng cho các ngân hàng, người tiêu dùng và doanh nghiệp”, ông James Cheo, Trưởng bộ phận đầu tư Khu vực Đông Nam Á, Khối Dịch vụ Quản lý Tài sản và Tài chính cá nhân Toàn cầu của HSBC, nhận xét.

Dù vậy, thách thức của xu hướng mới này cũng khá nhiều. Theo ông James Cheo, trước khi trở thành một thứ gì đó chính thống, metaverse cần vượt qua một loạt rào cản từ phía cơ quan chức năng đến các vấn đề liên quan đến năng lực máy tính và bảo mật dữ liệu.

Làm metaverse cần nhân lực đủ trình độ, vốn là “cơn khát” toàn cầu. Nếu doanh nghiệp vượt qua được vấn đề này thì tiếp theo phải nhận ra liệu mình có đang trong “cơn say” trước “vũ trụ ảo” hay không. Ông Huỳnh Kim Tước khuyến nghị doanh nghiệp bình tĩnh để đừng đổ nguồn lực vào mà không mang lại kết quả như mong muốn. Doanh nghiệp phải xác định khả năng hấp thụ công nghệ của bản thân đến đâu.

Theo ước tính của ông, 75% doanh nghiệp khi triển khai ERP (hệ thống quản trị nguồn lực doanh nghiệp) thì không ứng dụng hiệu quả được, dẫn đến lãng phí. Đó là chưa nói đến các công nghệ rất mới như blockchain hay thậm chí là một dự án kết hợp nhiều công nghệ như metaverse.

“Các doanh nghiệp nên gặp những người thành công trong ngành của mình. Họ sẽ gợi ý tầm nhìn cần tiếp cận metaverse thế nào là vừa phải. Doanh nghiệp cần một đàn anh là người cố vấn”, ông Tước nói.

Ông Cris D Trần cũng xác nhận không phải doanh nghiệp nào cũng có thể làm metaverse và khi triển khai sẽ có những rủi ro nhất định. “Các công nghệ mới thì không thể chắc chắn cứ làm là thành công ngay mà cần quá trình vừa làm vừa điều chỉnh”, ông nói.

Và câu hỏi quan trọng khiến một số doanh nghiệp phân vân là liệu metaverse có thực sự sẽ là xu hướng lớn và bền vững trong tương lai để họ lao vào hay không? Đó là một câu hỏi lớn và có những câu trả lời khác nhau.

Ông Chu Quang Thái cho rằng doanh nghiệp không nhất thiết chạy theo xu hướng mà nên tập trung vào bài toán của mình là gì, nên dùng công nghệ nào – có thể là các công nghệ mới liên quan đến metaverse – để giải quyết vấn đề của mình. Ông cũng lạc quan rằng, trong hàng nghìn dự án blockchain, metaverse, sẽ có những dự án thành công vì giá trị gia tăng mà nó tạo ra rất cao.

“Tham gia vào xu hướng này giống như đi trên một con đường vừa phác cỏ chứ không có lối mở sẵn”, ông ví von.

Viễn Thông

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: