Tại diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam – Singapore lần 2, lãnh đạo các tập đoàn khẳng định, phải đưa tính bền vững vào chiến lược kinh doanh để tăng tốc trong trạng thái bình thường mới.
Theo đó, VSBF 2022 có chủ đề “Thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh”. Chia sẻ tại diễn đàn, ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá, đại dịch kéo dài gần 3 năm qua ảnh hưởng sâu rộng đến mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế – xã hội của các quốc gia và giao lưu quốc tế. Chiến lược và mô hình phát triển của nhiều quốc gia đứng trước sức ép phải thay đổi khi đại dịch đang làm bộc lộ rõ hơn tính thiếu bền vững và bền bỉ trong mô hình sản xuất và tiêu dùng hiện tại. Biến đổi khí hậu tiếp tục là một trong những thách thức lớn nhất thế kỷ XXI mà nhân loại phải đối diện.
“Trong bối cảnh đó, thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh trở thành yêu cầu bắt buộc đối với cả khu vực công và tư nhân”, ông Trần Văn Tùng nhấn mạnh.
Với vai trò là Giám đốc VSBF và CEO của Công ty Tư vấn và Đào tạo Sao Việt (VietStar) – đơn vị đang tư vấn chiến lược phát triển bền vững và chuyển đổi số cho các doanh nghiệp tại Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng nêu quan điểm: “Đã đến lúc các doanh nghiệp cần phát triển bền vững với lợi thế cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh lâu dài, chứ không xem đây như một sự đánh đổi”.
Theo bà Phạm Thị Thu Hằng, những tổ chức và nhà lãnh đạo đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh sẽ có sức bật mạnh hơn, hưởng lợi ích từ việc áp dụng những thông lệ kinh doanh hiệu quả, tăng cường tương tác với các bên liên quan, nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu suất tài chính dài hạn cao hơn và kiến tạo giá trị tốt hơn.
Cách nào đưa tính bền vững vào chiến lược kinh doanh?
Trao đổi về việc thực thi chiến lược tăng trưởng thành công, Tiến sĩ Simon J.D. Schillebeeckx, Giáo sư Chiến lược của Đại học Quản lý Singapore; Nhà sáng lập & Giám đốc Phát triển bền vững của Handprint Tech nói rằng: “Có nhiều doanh nghiệp hiện chỉ tập trung vào lợi nhuận mà chưa nhìn thấy có tác động lớn của môi trường. Nhưng trong bối cảnh mới như hiện nay, mỗi doanh nghiệp phải xác định được yêu cầu bắt buộc là hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh bền vững, hướng tới giảm carbon. Để làm được, doanh nghiệp cần cân bằng giữa 3 yếu tố con người, lợi nhuận và môi trường”.
Thực tế, câu chuyện chuyển đổi xanh bền vững đã được nhiều tập đoàn lớn của Singapore như Temasek, Sembcorp… thực hiện thành công. Để làm được, các doanh nghiệp này đều bám sát việc đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh.
Ông Wong Kim Yin, Chủ tịch kiêm CEO của Sembcorp Industries (Singapore) cho hay, doanh nghiệp này đã chuyển đổi danh mục đầu tư từ năng lượng truyền thống sang năng lượng sạch và công bố kế hoạch khử cacbon với mục tiêu đến năm 2025 giảm cường độ phát thải khí nhà kính 25% xuống 0,40tC02e/MWh; đến năm 2030 giảm một nửa lượng phát thải so với đường cơ sở năm 2010 và đến năm 2050 thực hiện mục tiêu phát thải bằng 0.
Để thực hiện, Sembcorp đã lắp đặt các trang trại năng lượng mặt trời nổi Tengeh trong đất liền với 122.000 tấm pin mặt trời, công suaats60 MWp. Ngoài ra, Sembcorp cũng xây dựng trang trại năng lượng mặt trời có hệ thống thu gom nước mưa với hơn 33.500 tấm pin mặt trời. Đồng thời sử dụng các loại vật liệu phát triển năng lượng mặt trời có hiệu suất cao. Chính những thay đổi này đã giúp Sembcorp đạt hiệu quả kinh doanh và trở thành tập đoàn phát triển đô thị và năng lượng hàng đầu Singapore, có sức ảnh hưởng lớn trong khu vực châu Á. Hiện Sembcorp đã trở thành một đối tác lâu dài ở Việt Nam thông qua đầu tư vào khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP) cũng như hợp tác với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững xanh tại Việt Nam.
Doanh nghiệp Việt bắt nhịp xu thế
Tại Việt Nam, chính sách khí hậu và bảo vệ môi trường được Chính phủ Việt Nam rất quan tâm, coi là nhiệm vụ trọng tâm để góp phần phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, tại hội nghị của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải carbon trung tính vào năm 2050. Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế bền vững, Chính phủ Việt Nam đẩy mạnh quyết tâm thực hiện chuyển đổi cơ cấu ngành năng lượng theo định hướng xanh hơn, sạch hơn và sử dụng năng lượng hiệu quả hơn.
Chung tay cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu này, ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, PVN đã xây dựng chiến lược phát triển với định hướng ưu tiên các nguồn năng lượng sạch bền vững như khí tự nhiên/LNG, điện gió ngoài khơi… Để thực hiện, doanh nghiệp sẽ tập trung vào các công tác như dự báo, quản trị rủi ro, quản trị danh mục đầu tư và quản trị chiến lược; tái cấu trúc phát triển mô hình doanh nghiệp carbon thấp và đẩy mạnh phát triển và ứng dụng chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo.
Cũng như PVN, ông Nguyễn Tài Anh – Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)- cho biết: “Năm 2022 EVN chọn chủ đề ‘Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả’ nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển, thực hiện lộ trình chuyển đổi số trong điều kiện bình thường mới. Điều này xuất phát từ năm 2019-2020 khi Covid-19 xuất hiện và lan rộng ảnh hưởng lớn đến hoạt động của toàn xã hội, buộc EVN phải có giải pháp thích ứng an toàn”.
Theo ông Tài Anh, những giải pháp mà EVN thực hiện gồm: an toàn cho con người, an toàn cho toàn bộ thiết bị – hệ thống điện. Tập đoàn cũng thực hiện tối ưu hóa chi trong hoạt động để đảm bảo nguồn điện cung cấp đủ cho mọi hoạt động nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả kinh doanh cho tập đoàn. Bên cạnh đó, thực hiện theo cam kết của Việt Nam tại COP26, EVN sẽ thực hiện theo lộ trình “xanh hóa” ngành điện thông qua hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp quốc tế để lựa chọn những công nghệ tốt nhất, hiện đại nhất nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 tất cả các dự án, nhà máy đều thực hiện phát thải ròng bằng 0.
Thế Đan
Ảnh:VietStar
Diễn đàn quản trị cấp cao Việt Nam – Singapore lần thứ hai (VSBF 2022) do Công ty Cổ phần Tư vấn và Đào tạo Sao Việt (VietStar) phối hợp cùng Đại học Quản lý Singapore (SMU) tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội và trực tuyến với đầu cầu Singapore. Diễn đàn năm nay thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo cấp cao của các tập đoàn hàng đầu Singapore và Việt Nam tham gia thảo luận về việc thực thi chiến lược tăng trưởng thành công và từng bước đưa tính bền vững vào trọng tâm chiến lược kinh doanh. Theo bà Phạm Thị Thu Hằng – CEO VietStar và Giám đốc VSBF, sau hai lần tổ chức thành công, VietStar sẽ nỗ lực để diễn đàn trên trở thành một hoạt động thường niên và mang lại giá trị thiết thực cho các nhà lãnh đạo doanh nghiệp của hai nước trong thời gian tới.
Nguồn: vnexpress.net