Theo Kiểm toán Nhà nước, một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty hiệu quả thấp, thua lỗ lớn hoặc thậm chí mất vốn.
Đây là kết quả kiểm toán việc quản lý, dùng vốn Nhà nước năm 2020 tại 73 doanh nghiệp thuộc 16 tập đoàn, tổng công ty vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi Quốc hội.
Theo báo cáo này, 15 trong số 16 tập đoàn, tổng công ty kinh doanh có lãi. Lợi nhuận sau thuế năm 2020 của nhiều đơn vị ở mức cao, như PVGas là hơn 8.169 tỷ đồng, VNPT trên 5.719 tỷ; MobiFone 3.819 tỷ đồng…
Tuy nhiên, Kiểm toán Nhà nước cho biết, một số khoản đầu tư của các tập đoàn, tổng công ty vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn bị thua lỗ, mất vốn.
Chẳng hạn, công ty mẹ Vinachem có gần 25% công ty con lỗ luỹ kế đến cuối năm 2020 hơn 15.473 tỷ đồng, 1 công ty con đang dừng hoạt động.
Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên có 3 công ty con, liên kết không hoạt động, không có khả năng phục hồi sản xuất. Còn công ty mẹ PVGAS có 2 công ty con lỗ luỹ kế trên 602 tỷ đồng.
Việc đầu tư tại Lào không mấy suôn sẻ khiến công ty TNHH MTV Petrolimex Lào (thuộc Petrolimex) lỗ luỹ kế trên 114,8 tỷ đồng, âm vốn chủ sở hữu 57 tỷ.
Công ty cổ phần Nhiệt điện Cẩm Phả (thuộc Tổng công ty điện lực TKV) lỗ luỹ kế 1.771 tỷ đồng đến hết năm 2020.
Tại Vinachem, có 2 công ty liên kết lỗ luỹ kế gần 123,7 tỷ đồng. Công ty mẹ – VNPT có 2 khoản đầu tư tại các đơn vị đang trong quá trình giải thể, phá sản tiềm ẩn rủi ro mất vốn.
Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra, một số doanh nghiệp có quy chế quản lý dòng tiền, tiền gửi ngân hàng, kế hoạch dùng, quản lý dòng tiền chưa hiệu quả. Chẳng hạn, công ty mẹ PVGas chưa cân đối dòng tiền từ các hợp đồng tiền gửi đến ngày đáo hạn khi xây dựng kế hoạch dòng tiền tháng, quý. Hay công ty mẹ – Công ty cổ phần Phân phối Khí thấp áp Dầu khí Việt Nam để số dư tiền gửi không kỳ hạn vượt định mức, chuyển tiếp cùng kỳ hạn nhiều hợp đồng tiền gửi từ 3 đến 9 tháng.
Tại VNPT, công ty mẹ gửi 10.700 tỷ đồng với các kỳ hạn ngắn 4-8 tháng. Công ty mẹ – VinaPhone duy trì số dư tiền gửi không kỳ hạn ở mức cao, trên 63 tỷ đồng một ngày, số này tăng lên gấp 2,5 lần trong hai tháng cuối năm 2020.
Việc quản lý nợ tại các doanh nghiệp chưa chặt chẽ, để phát sinh các khoản nợ phải thu quá hạn, như công ty mẹ PVGas có khoản nợ phải thu quá hơn gần 568,8 tỷ đồng, công ty mẹ – MobiFone là 724,2 tỷ đồng, phần lớn là công nợ khách hàng cá nhân…
Tại Vinachem, công ty mẹ tập đoàn này có khoản nợ khó đòi lên tới trên 10.493 tỷ đồng. Tình trạng này cũng xảy ra tại một số công ty thành viên, như Công ty TNHH MTV Apatit Việt Nam (403,7 tỷ đồng), Công ty cổn phần Phân bón và Hóa chất Cần Thơ (54,65 tỷ đồng), Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (31,69 tỷ đồng)…
Một số doanh nghiệp bán hàng, đặt cọc cho nhà cung cấp không có bảo lãnh hoặc vượt giá trị tài sản thế chấp; trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi, xóa nợ, trích khấu hao tài sản cố định không đúng quy định…
Về sử dụng đất, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra nhiều đơn vị có diện tích đất lớn không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Qua kiểm toán xác định tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phải nộp tăng thêm vào ngân sách tại Công ty Xăng dầu khu vực III (thuộc Petrolimex) là 0,95 tỷ đồng, VNPT khoảng 0,62 tỷ.
Công ty mẹ MobiFone và Petrolimex tới thời điểm kết thúc kiểm toán vẫn chưa thoái vốn theo kế hoạch được duyệt, hoặc chậm thoái vốn khỏi lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm.
Ngoài ra, công ty mẹ VNS sau 10 năm chuyển thành công ty cổ phần vẫn chưa hoàn thành quyết toán cổ phần hoá.
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, các doanh nghiệp sai sót trong hạch toán kế toán, kê khai, nên qua kiểm toán phải điều chỉnh tài sản, nguồn vốn. Nhờ đó, kiểm toán kiến nghị tăng thu gần 2.660 tỷ đồng từ các tập đoàn, tổng công ty vào ngân sách, giảm hơn 14 tỷ đồng thuế VAT được khấu trừ, giảm lỗ cho các doanh nghiệp trên 80 tỷ đồng.
Nguồn: vnexpress.net