Ngoài 4.800 tỉ đồng ngân sách đưa điện ra Côn Đảo, còn phương án nào khác?

Liên quan đề xuất kéo điện ra Côn Đảo bằng cáp ngầm xuyên biển, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đưa ra 5 phương án, trong đó có tính đến xây dựng nhà máy tại chỗ, song chọn phương án kéo cáp ngầm và đề xuất xây dựng bằng ngân sách.

Ngoài 4.800 tỉ đồng ngân sách đưa điện ra Côn Đảo, còn phương án nào khác? - Ảnh 1.

Đường vào Nhà máy điện (chạy bằng diesel) An Hội, Côn Đảo – Ảnh: ĐÔNG HÀ

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) đã phối hợp với các cơ quan tại Côn Đảo để khảo sát, đề xuất các phương án cấp điện cho huyện đảo. Trong đó, các cơ quan này đã đưa ra 3 phương án cấp điện bằng lưới điện quốc gia và 2 phương án cấp điện bằng nguồn tại chỗ.

Cụ thể, với phương án cấp điện bằng lưới điện quốc gia, nếu áp dụng phương án 1 là xây dựng đường dây 110kV từ trạm 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) – Mũi ĐK (Côn Đảo), tổng mức đầu tư dự kiến 5.431 tỉ đồng. Phương án 2 xây dựng đường dây 110kV từ trạm 110kV Trần Đề (Sóc Trăng) – Mũi ĐK (Côn Đảo), tổng mức đầu tư dự kiến 5.214 tỉ đồng.

Còn với phương án 3 xây dựng đường dây 110kV từ trạm 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) – Mũi ĐK (Côn Đảo), gồm đường dây trên bờ 7,5km và vùng biển cạn 15km, cáp ngầm xuyên biển 78km có tổng mức đầu tư dự kiến 4.806 tỉ đồng.

Với phương án đầu tư nguồn điện tại chỗ, các cơ quan này đưa ra hai hình thức đầu tư nhà máy điện sử dụng khí hóa lỏng (LNG), quy mô 5x10MW với tổng mức đầu tư dự kiến 1.782,5 tỉ đồng hoặc đầu tư máy phát điện sử dụng động cơ đốt trong có tốc độ vòng quay thấp, quy mô 5x10MW với nguyên liệu sử dụng là dầu diesel (DO), dầu nặng (HFO) hoặc LNG có tổng mức đầu tư dự kiến 1.900 tỉ đồng.

Cho rằng việc cấp điện tại Côn Đảo có nhiều yếu tố đặc thù như phải cung cấp điện ổn định, liên tục, bảo vệ chủ quyền quốc gia, biên giới quốc gia, hải đảo, an toàn với môi trường, giảm thiểu tiếng ồn và ô nhiễm do khí thải…, EVN đã kiến nghị lựa chọn giải pháp cấp điện huyện Côn Đảo từ lưới điện quốc gia theo phương án có tổng mức đầu tư thấp nhất trong các phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia.

Theo EVN, phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia thông qua tuyến đường dây không kết hợp cáp ngầm 110kV từ trạm 220kV Vĩnh Châu (Sóc Trăng) đến điểm tiếp bờ gần mũi ĐK vừa đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định lâu dài cho huyện đảo và giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái trên huyện đảo, đặc biệt bảo tồn rừng quốc gia và các di tích lịch sử.

Cho rằng phương án cấp điện từ lưới điện quốc gia có tổng mức đầu tư rất lớn, việc đầu tư dự án không mang lại hiệu quả cho chủ đầu tư, do đó EVN đã đề nghị Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét bố trí nguồn vốn ngân sách để thực hiện dự án.

Nguồn: tuoitre.vn

Bài viết cùng chủ đề: