Xây dựng hệ sinh thái mở và đổi mới tiết kiệm là chiến lược phát triển cho mô hình hợp tác xã, theo ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ tại talkshow The Next Power.
Số thứ 3 của talkshow The Next Power lấy trọng tâm là câu chuyện đổi mới của Saigon Co.op, một đơn vị vận hành theo mô hình hợp tác xã bán lẻ. Với khách mời là Tổng giám đốc Saigon Co.op – ông Nguyễn Anh Đức, Talkshow đưa khán giả tìm hiểu sâu hơn về chiến lược đổi mới và phát triển của một doanh nghiệp vận hành theo mô hình tưởng chừng rất cũ nhưng có triết lý riêng trong chiến lược xây dựng hệ sinh thái. Ông Đức chia sẻ cách đổi mới trong tiết kiệm để thích nghi với thay đổi nhanh chóng của thị trường trong giai đoạn mới.
Sau gần 30 năm vận hành, cũng như nhiều doanh nghiệp bán lẻ khác, Saigon Co.op đối mặt với nhiều thời điểm “hụt hơi”. Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, Saigon Co.op đã không còn ở vị thế cứ ra hàng ra là bán được. Nhiều xu hướng phát triển mới xuất hiện, đòi hỏi sự đổi mới mạnh mẽ hơn nhưng đồng thời yêu cầu từng bước đi phải cẩn trọng và có sự chọn lọc. Từ phục vụ khách hàng đại trà với một mô hình Co.op mart, giờ đây doanh nghiệp đã có 9 đơn vị đối tác đồng hành để phục vụ khách hàng cho từng phân khúc với những nhu cầu khác nhau.
Trong những năm qua, sự mở cửa của nền kinh tế cũng như các hiệp định thương mại liên tiếp được ký kết đã tạo điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam mở rộng khả năng hợp tác. Ông Nguyễn Anh Đức nhận định, đây là một trong những nền tảng ban đầu tạo nên sức ép cho sự đổi mới.
“Sự tham gia của các doanh nghiệp bán lẻ FDI đã thúc đẩy ngành bán lẻ trong nước phát triển. Song song với đó, khách hàng có điều kiện để tiếp xúc với các thị trường khác nhau, nên yêu cầu về hàng hóa, dịch vụ cũng chi tiết hơn, khó khăn hơn cho các đơn vị bán lẻ tại Việt Nam”, ông nhấn mạnh.
Sự thay đổi của thị trường và tư duy mua sắm của người tiêu dùng mang đến nhiều lực đẩy cho quá trình đổi mới tại các mô hình hợp tác xã bán lẻ. Tuy nhiên với các đơn vị này, đổi mới nhanh, cấp tốc, đầu tư mạnh mẽ không phải là sự lựa chọn dễ dàng.
Tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, phương thức hoạt động của các đơn vị hợp tác xã truyền thống thường rất dè sẻn và tiết kiệm. Chính điều này đã làm nên đặc trưng riêng trong quá trình làm mới mình tại các hợp tác xã bán lẻ. Sự phát triển của Saigon Co.op trong gần 3 thập niên đến từ phương châm “đổi mới tiết kiệm”, kiên định với tư duy dè sẻn truyền thống để tạo nên cơ ngơi lớn hơn và chuẩn bị cho hành trình phát triển lâu dài.
Đứng trước xu thế đổi mới về dịch vụ, ứng dụng công nghệ để phục vụ khách hàng, ông Nguyễn Anh Đức cho biết, Saigon Co.op cũng không nằm ngoài cuộc chơi. Thay vì đầu tư mạnh tay để tạo một nền tảng mua sắm trực tuyến riêng biệt, doanh nghiệp tìm các điểm giao nhau của hai mô hình kinh doanh trực tuyến và trực tiếp, hướng đến phát triển “dark store” – trung tâm thực hiện đơn hàng, không phục vụ khách hàng mua trực tiếp. Các kho này thường được đặt gần các khu dân cư để nhân viên giao hàng đơn trong vòng vài phút sau khi khách đặt hàng và giao đến nhiều nhà trong một chuyến đi.
Phương châm đổi mới tiết kiệm, làm ra nhiều hơn dựa trên nền tảng hạn chế là điều được ông Nguyễn Anh Đức đặc biệt nhấn mạnh khi nói về chiến lược phát triển hệ sinh thái cho mô hình hợp tác xã bán lẻ.
Thay vì phát triển một hệ sinh thái riêng với nhiều rủi ro, theo ông, xu hướng hiện nay là phát triển các mối quan hệ hợp tác ba bên (triangle contract) để tổng hợp thế mạnh và tạo ra giá trị đa dạng dành cho khách hàng. Sức mạnh của các hệ thống bán lẻ cũng cần phải được hình thành từ các hệ thống tập trung.
“Với hệ sinh thái tại Saigon Co.op, chúng tôi mời các doanh nghiệp nhỏ lẻ cùng tham gia vào để sở hữu, đóng góp thế mạnh và phục vụ một cộng đồng chung. Đó cũng là một nguyên tác của hợp tác xã, chỉ làm những gì mình mạnh, mời các bên khác tham gia vào để tạo nên một nền tảng thống nhất”, ông Nguyễn Anh Đức chia sẻ.
Chiến lực phát triển hệ sinh thái của Saigon Co.op không hướng đến mục tiêu sở hữu, thay vào đó, trọng tâm được đặt vào sự hợp tác lâu dài để tạo ra giá trị toàn diện. “Trong lĩnh vực bán lẻ, chúng tôi cũng rất khuyến khích các đơn vị doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam cùng tham gia để tạo chỗ đứng và phát triển. Nếu đưa ra một quầy kệ để bán thì không thể nào cạnh tranh lại với những doanh nghiệp lớn, nhưng các đơn vị nhỏ có thể hùn nhau để mua. Saigon Co.op sẽ đóng vai trò tạo dựng nên những nền tảng và môi trường pháp lý đầy đủ cho sự hợp tác đó”, vị khách mời nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Anh Đức cho biết, với phương châm tiết kiệm, hệ sinh thái của mô hình hợp tác xã bán lẻ hình thành trên nguyên tắc góp nhỏ thành lớn. “Bên nào cũng phải dè sẻn dựa trên nguồn lực của mình. Với Saigon Co.op, xây dựng hệ sinh thái không phải để sở hữu riêng, quan trọng hơn là phải mời các đơn vị nhỏ lẻ khác tham gia vào để sở hữu và phục vụ cho một cộng đồng chung, tạo nên giá trị đa dạng hơn cho sản phẩm”.
Thảo Miên
The Next Power là chương trình tiên phong khai phá sức mạnh mới, kiến tạo giá trị mới cho doanh nghiệp. Cố vấn và đồng thời Host chương trình là doanh nhân Trương Lý Hoàng Phi – Chủ tịch HĐQT & CEO IBP và ông Lê Trí Thông – Phó Chủ tịch HĐQT & CEO PNJ.
Nội dung mùa 1 tập trung vào các câu chuyện về đổi mới và sáng tạo – Innovation. Chương trình do VnExpress phối hợp với S-World Media thực hiện có sự đồng hành của Tập đoàn xây dựng Hòa Bình và thương hiệu Mon Amie Veston.
Nguồn: vnexpress.net