Bộ KH-ĐT và Bộ Công thương vừa có văn bản xin ý kiến về dự án đầu tư đưa đường cáp điện ngầm từ đất liền ra Côn Đảo. Phương án này không thể hiện khả năng nắm bắt cơ hội thời đại và quyết tâm đưa phát thải ròng về 0 như chúng ta cam kết.
Côn Đảo được cấp điện từ 9 tổ máy chạy dầu diesel. Trong ảnh: đường điện ở Côn Đảo – Ảnh: Đ.HÀ
Với kinh nghiệm thành công với việc đưa điện bằng cáp ngầm ra đảo Phú Quốc (56km), chắc chắn phương án trên sẽ được EVN thực hiện thành công theo chuẩn mực truyền thống. Tuy nhiên, trước những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ và những nỗ lực vượt bậc trên quy mô toàn cầu trong khai thác năng lượng tái tạo, phương án này sẽ bị đánh giá thấp trên cả ba tiêu chí của kiến tạo giá trị: hiệu quả, hiệu lực và hiệu năng định vị tương lai.
Về hiệu quả, phương án này đòi hỏi khoản đầu tư trợ cấp 206 triệu USD; đây là một khoản tiền lớn so với dân số khoảng 10.000 người trên đảo, trong khi không tạo ra bước tiến đột phá trong cục diện phát triển đảo. Hơn nữa, theo kinh nghiệm của đường cáp điện ngầm ra Phú Quốc, sau khoảng 10 năm thì nhu cầu điện tăng nhanh sẽ đòi hỏi đầu tư thêm đường cáp điện mới, phức tạp và tốn kém hơn nhiều.
Về hiệu năng định vị tương lai, phương án này làm chúng ta mất đi một cơ hội vô giá để gửi ra thế giới một thông điệp lớn về Việt Nam trong kỷ nguyên mới và giúp Côn Đảo trở thành một tâm điểm thu hút sự chú ý toàn cầu trong khả năng tiến nhanh đến phồn vinh từ nỗ lực chống biến đổi khí hậu và nắm bắt cơ hội toàn cầu.
Trong khi đó, có những phương án mới để giải bài toán cấp điện cho Côn Đảo mang tầm thời đại, hiệu quả hơn, sạch hơn và nhanh hơn.
Để đáp ứng nhu cầu điện cho Côn Đảo ở mức 100MW (dự báo cho năm 2035), phương án phát triển hệ thống điện thông minh cho Côn Đảo nên đa dạng hóa theo các hạng mục sau (mức công suất của mỗi hạng mục đầu tư sẽ dựa trên tính toán thực tế và lựa chọn của các nhà đầu tư):
1. Điện gió (ven biển): 250MW (khoảng 100 tuôcbin).
2. Điện mặt trời (trong đó có điện mái nhà từ nhà dân): 100MW.
3. Trạm thủy điện tích năng: 4 tổ 30MW = 120MW (mức trữ 10 giờ), với tổng mức đầu tư ước tính 50 – 75 triệu USD cho một trạm.
4. Lưới điện trên đảo.
Tính năng đặc sắc của trạm thủy điện tích năng là nó giúp tích trữ và cân bằng nguồn điện tái tạo rất nhạy bén và hiệu quả. Nhờ vậy, điện không chỉ dồi dào và rẻ mà còn ổn định và tin cậy ở mức độ rất cao.
Chính vì vậy, các nước với nỗ lực tăng nhanh tỉ trọng điện tái tạo trong hệ thống điện đang đầu tư rất mạnh vào thủy điện tích năng. Ở châu Á, Nhật Bản, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đi đầu. Việt Nam cũng đang đầu tư vào Nhà máy thủy điện tích năng Bắc Á có quy mô lớn (1.200MW) nhưng chưa coi hướng đầu tư này là lời giải quan trọng trong thúc đẩy nỗ lực khai thác tối đa tiềm năng năng lượng tái tạo ở mỗi địa phương, trong đó có Côn Đảo.
Điều đáng chú ý nữa là phương án này có thể được triển khai nhanh và cuốn chiếu theo nhu cầu thực tế, với thời gian hoàn tất cho mỗi giai đoạn chỉ vào khoảng 2 năm. Ngoài ra, các dự án năng lượng xanh cũng rất dễ vay vốn với lãi suất thấp (khoảng 3%/năm cho USD).
Nếu thực hiện phương án này, Chính phủ nên kêu gọi các nhà đầu tư trong nước và quốc tế tham gia dự thầu với bài toán phát triển hệ thống điện thông minh cho Côn Đảo, trong đó Chính phủ có thể tài trợ tới 106 triệu USD cho chương trình phát triển này và EVN cam kết giá mua điện ở mức tối thiểu 0,075 USD (1.800 đồng)/kWh trong vòng 20 năm tới.
Với xu thế giá điện gió và điện mặt trời tiếp tục giảm nhanh từ mức đã khá thấp như hiện nay (0,03 – 0,06 USD/kWh) thì dự án này có khả năng thu hút rất mạnh sự quan tâm của các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới.
Bước đột phá có tính thông điệp
Giải bài toán cấp điện cho Côn Đảo thực sự là một cơ hội để Việt Nam tạo nên một bước đi đột phá, có tính thông điệp đặc sắc về quyết tâm vượt bậc của Việt Nam trong thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược: đưa Việt Nam tiến nhanh đến mục tiêu trở thành nước công nghiệp phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2045.
Nguồn: tuoitre.vn