Thường mua gas tại một cửa hàng gas trên đường Bùi Hữu Nghĩa, bà Nguyễn Thị Hoa (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) “tá hỏa” khi giá mỗi bình gas loại 12kg đã lên ngưỡng 500.000 đồng, cao chót vót trong nhiều năm trở lại đây.
Giá gas tăng bất lợi cho đại đa số người dân đô thị – Ảnh: HỮU HẠNH
Theo bà Hoa, một số sản phẩm sinh hoạt có thể tiết kiệm nhưng gas là nhiên liệu nấu nướng hằng ngày nên bà không thể tiết kiệm, có chăng chỉ giảm bớt một số món ăn cần nấu lâu như nấu chè, hầm xương…
Trong khi đó, các quán ăn dùng nhiều gas thì việc gas đội giá khiến chi phí nhiên liệu của các tiệm ăn cũng tăng mạnh. Chủ quán bún bò Yến Hương Giang tại quận 3 cho biết mỗi tháng tiệm này dùng đến 60 bình gas loại 50kg, do đó mức giá gas tăng cao khiến lợi nhuận của quán giảm mạnh bởi ngoài gas, nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá.
Ông H., phó giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ gas, cho biết nhiều khách hàng phàn nàn giá gas tăng, có không ít người đã trả vỏ gas và chuyển sang dùng bếp điện thay vì dùng gas như trước.
Cho đến nay, không như xăng dầu, mặt hàng gas, được đa số người tiêu dùng, nhất là cư dân đô thị, sử dụng để chế biến bữa ăn vẫn nằm ngoài các biện pháp bình ổn giá.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Tuấn – phó giám đốc Công ty CP thương mại dầu khí Thái Bình Dương – cho biết hiện Việt Nam có thể khai thác nguồn khí chiếm tỉ trọng 30-40%, song vẫn nhập khẩu khoảng 60-70% tùy thời điểm, do đó giá gas nội địa chịu ảnh hưởng của biến động giá gas thế giới.
Trước đại dịch, giá hợp đồng nhập khẩu xoay quanh dưới 500 USD/tấn, giá gas bán lẻ dưới 400.000 đồng/bình, song hiện có thời điểm giá nhập khẩu đã lên ở mức gần 1.000 USD/tấn, khiến giá gas bán lẻ cũng tăng cao, vượt 500.000 đồng/bình.
Trong khi đó, một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh gas tại TP.HCM cho biết giá gas tăng cao trong thời gian qua đã trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống người dân và khiến chi phí sản xuất của nhiều doanh nghiệp cũng tăng cao do không ít ngành sử dụng gas công nghiệp.
Để đối phó với giá gas tăng cao, vị này cho rằng Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu và giảm thuế giá trị gia tăng. Cụ thể, vị này cho rằng nhiều mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống 8%, trong khi gas lại đứng ngoài danh mục này, cần đưa gas vào mặt hàng giảm thuế.
Hiện gas đang chịu thuế nhập khẩu 5%, có thể giảm xuống mức thấp hơn, thậm chí đưa về 0% để hạ nhiệt giá gas.
Đồ họa: TẤN ĐẠT
Tại Việt Nam, nhiều ý kiến cũng đề xuất phải mạnh tay dùng thuế, phí để kìm giá xăng dầu và cả giá gas nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (phó hiệu trưởng Đại học Kinh tế quốc dân):
Có thể giảm thêm thuế bảo vệ môi trường
Khi giá xăng dầu tăng mạnh sẽ ảnh hưởng nền kinh tế nói chung, lạm phát tăng cao, nên một trong những biện pháp nhanh nhất là giảm chi phí đầu vào, trong đó chỉ có giảm thuế, phí. Hiện nay đã có chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt nếu như giá đầu vào quá cao.
Giảm thuế, nguồn thu ngân sách giảm nhưng chúng ta vẫn phải chấp nhận để kiềm chế lạm phát. Quốc hội cần có ý kiến về chính sách thuế, ví dụ đưa ra cơ chế điều hành thuế linh hoạt, không nên ấn định thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt để Chính phủ được phép điều hành linh hoạt, tăng giảm trong biên độ đó.
Ông Trần Văn Lâm (ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính – ngân sách của Quốc hội):
Cần thêm giải pháp kìm giá
Vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định giảm thuế bảo vệ môi trường để kìm giá xăng dầu. Nếu đến khung nào đó vượt khả năng kiểm soát giá thì Chính phủ sẽ phải tiếp tục nghiên cứu đề xuất các giải pháp tới Quốc hội để có thể kiểm soát giá cả và lạm phát.
Khi giá thế giới tác động tới giá trong nước vượt quá mức kiểm soát lạm phát 4%, tác động lớn tới nền kinh tế, chúng ta cần chủ động hơn, đó là giảm thuế, phí.
N.AN – T.LONG ghi
Nguồn: tuoitre.vn