Trước thông tin được báo Tuổi Trẻ Online phản ánh về tình trạng nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản, Thủ tướng đã giao Bộ Công thương kiểm tra và xử lý ngay.
Doanh nghiệp điện gió gặp nhiều khó khăn chờ cơ chế hướng dẫn mới sau khi quyết định 39 hết hiệu lực – Ảnh: N.K
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên truyền đạt ý chỉ đạo của Thủ tướng, về xử lý thông tin báo Tuổi Trẻ Online phản ánh nhà đầu tư điện gió có nguy cơ phá sản.
Theo đó, văn bản ban hành ngày 30-3 nêu rõ, báo Tuổi Trẻ Online có phản ánh thông tin: “Nhà đầu tư điện gió kêu cứu vì nguy cơ phá sản” ngày 22-3.
“Về thông tin báo điện tử Tuổi Trẻ TP.HCM phản ánh nêu trên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo: “Giao Bộ Công thương kiểm tra ngay việc này và xử lý ngay nếu đúng” – văn bản nhấn mạnh.
Trước đó, báo Tuổi Trẻ Online phản ánh đơn kiến nghị lần 2 của các nhà đầu tư điện gió khi gặp rất nhiều khó khăn trong triển khai dự án và công nhận vận hành thương mại, đứng trước nguy cơ phải dừng hoạt động, doanh nghiệp rơi vào tình trạng bất ổn, phá sản cận kề.
Cụ thể, chủ đầu tư các dự án nhà máy điện gió Nhơn Hội, điện gió Nam Bình 1, điện gió Cầu Đất và điện gió Tân Tấn Nhật cho biết đều đã hoàn thành xây dựng, lắp đặt và có chứng nhận nghiệm thu hoàn thành công trình trước ngày 31-10-2021, có giấy phép hoạt động điện lực.
Các dự án này cũng đã hòa lưới trên hệ thống điện quốc gia và được ghi nhận trên dữ liệu điện tử của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – được EVN nêu cụ thể và xác nhận trong văn bản báo cáo kết quả COD các dự án điện gió đến hết ngày 31-10-2021.
Tuy nhiên, phản ánh trong đơn gửi Thủ tướng, các doanh nghiệp này cho hay do tác động của những yếu tố khách quan như dịch COVID-19, thời tiết bất thường… khiến cho việc thử nghiệm kỹ thuật – khâu cuối trong quy trình công nhận vận hành thương mại (COD) – đã không kịp thực hiện trước ngày 31-10-2021 để hưởng giá ưu đãi (giá FIT) theo quyết định 39/2018 về cơ chế hỗ trợ phát triển điện gió.
Việc không hoàn thành thử nghiệm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến bảo trì, bảo dưỡng, khả năng vận hành của nhà máy. Trong khi đó, cơ chế giá FIT theo quyết định 39 đã hết hiệu lực, nên các doanh nghiệp trên vẫn gặp vướng mắc ở công tác thử nghiệm cuối cùng và chờ cơ chế hướng dẫn mới sau khi quyết định 39 được gọi là cơ chế chuyển tiếp.
Cơ chế mới nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn?
Theo thông tin của Tuổi Trẻ Online, hiện Bộ Công thương mới có tờ trình gửi Thủ tướng về việc xây dựng cơ chế đấu thầu mua điện từ dự án điện gió, điện mặt trời còn đang dở dang, chưa vận hành. Nhiều khả năng nếu được thông qua, các doanh nghiệp trên sẽ áp dụng theo cơ chế này.
Theo cơ chế mới, các dự án, phần dự án điện mặt trời, điện gió đã và đang triển khai đầu tư nhưng không kịp mốc thời gian sẽ thực hiện đấu thầu.
Giá thầu của dự án phải nằm trong khung giá phát điện do Bộ Công thương ban hành. EVN sẽ là đơn vị tổ chức đấu thầu với thời gian thực hiện đấu thầu trong năm 2020, áp dụng cho giai đoạn từ năm 2022 đến năm 2025.
Thời hạn của hợp đồng mua bán điện và giá điện áp dụng đến hết năm 2025, cơ chế áp dụng sau đó sẽ thực hiện theo quy định được Chính phủ/Bộ Công thương ban hành. Đồng tiền tính giá là Việt Nam đồng (đồng/kWh), không điều chỉnh theo biến động của tỉ giá đồng/USD.
Như vậy, cơ chế này có nhiều thay đổi so với cơ chế giá FIT trước đây và EVN cũng sẽ không phải mua cam kết toàn bộ nguồn điện phát mà chỉ mua theo nhu cầu phụ tải.
Theo nhiều nhà đầu tư, với cơ chế này doanh nghiệp sẽ chịu nhiều rủi ro bởi các suất đầu tư được tính toán trước đây đều trên cơ sở giá FIT.
Tuy nhiên, rất nhiều dự án do những lý do khách quan, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nên bị chậm tiến độ, không kịp đưa vào vận hành nên việc áp dụng cơ chế đấu thầu theo đề xuất trên sẽ thiệt hại rất lớn.
Nguồn: tuoitre.vn