Vốn từ trái phiếu giảm trong khi nhu cầu vay vốn tăng, vốn ngân hàng lên ngôi. Tuy vậy, nhiều ngân hàng không thể giải ngân cho khách vì thiếu room (hạn mức).
Nhiều ngân hàng chưa thể cho khách vay vì chờ nới room. Trong ảnh: giao dịch tại một ngân hàng ở TP.HCM – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Nhiều ngân hàng đang xin tăng room, nhất là trong bối cảnh vừa triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%.
Hết room, ưu tiên cho vay nếu mua bảo hiểm
Có nhu cầu vay 2 tỉ đồng, làm xong hồ sơ trong tháng 5 nhưng 10 ngày trước thời điểm giải ngân, anh L. (quận 9, TP.HCM) bất ngờ khi ngân hàng thông báo là đã hết room. Nhờ khắp nơi không được, anh phải đi vay từ nhiều nguồn.
“Sau đó nhân viên tín dụng ngân hàng cho tôi biết nếu “hở room” do có người trả nợ, tôi sẽ được giải ngân nhưng với điều kiện phải mua gói bảo hiểm 80 triệu đồng. Hỏi nhiều ngân hàng khác, nơi nào còn room cũng ràng điều kiện mua gói bảo hiểm”, anh L. bức xúc.
Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, hiện nhu cầu vay vốn khá cao nhưng nhiều ngân hàng đã hết room. Trong khi một số ngân hàng còn hạn mức thì phần lớn tranh thủ “bán bia kèm lạc”, yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ, thông thường cũng vài chục triệu, tùy theo số tiền vay.
Ngân hàng cũng “tư vấn” rằng nếu mua bảo hiểm nhân thọ thì lãi suất cho vay sẽ thấp hơn. Tuy nhiên thực tế, mức ưu đãi lãi suất luôn thấp hơn so với giá hợp đồng bảo hiểm.
Anh Khoa, nhân viên tín dụng một ngân hàng cổ phần lớn tại TP.HCM, cho hay nguyên tháng vừa qua anh chỉ làm hồ sơ chờ sẵn vì đã hết hạn mức. Về giải ngân phải kèm mua bảo hiểm, nhân viên này xác nhận “không có quy định giấy trắng mực đen nào nhưng nếu không mua bảo hiểm rất khó được giải ngân”.
Hiện lãi suất cho vay tại một số ngân hàng từ 10-11%/năm, cộng với gói bảo hiểm tính ra lãi suất lên đến 12-13%/năm.
Tuy vậy nhiều doanh nghiệp được cấp sẵn hạn mức cho biết vẫn được giải ngân. Lãnh đạo một ngân hàng cổ phần có trụ sở tại Hà Nội cho hay vừa qua do hết room, ngân hàng phải điều chuyển hạn mức cấp sẵn cho doanh nghiệp đang không sử dụng hết sang cho khách hàng cá nhân. Nhưng cách này chỉ giải quyết được trong ngắn hạn.
Không dễ được nới room
Nhiều ngân hàng đã liên tục kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước xin được nới room. Theo bà Phạm Thị Trung Hà – phó tổng giám đốc MB, nhu cầu tín dụng của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp rất lớn trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại. MB kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới thêm room tín dụng để có thể giảm lãi suất 2% cho khách hàng.
“Các ngân hàng đều cho rằng với chương trình hỗ trợ 2% lãi suất của gói 40.000 tỉ đồng từ ngân sách, nhu cầu tín dụng của khách hàng sẽ rất cao. Nhiều doanh nghiệp sẽ trả nợ để được hỗ trợ lãi suất và vay mới. Do đó, ngân hàng rất mong Ngân hàng Nhà nước xem xét sớm nới thêm room tín dụng lần 2 trong năm nay, góp phần phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh”, bà Hà nói.
Nhiều “ông lớn” như Vietcombank, BIDV cũng đề xuất nới room. Lãnh đạo Vietcombank cho biết đến thời điểm tháng 5, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9%, do đó ngân hàng đề nghị xem xét nới room tín dụng, để các ngân hàng chung tay hỗ trợ tăng trưởng.
Lãnh đạo BIDV cũng cho hay từ quý 4-2021 đến nay, nhu cầu vay vốn của khách hàng tăng lên rất mạnh, đặc biệt là các khách hàng tốt. Trong khi đó, room tín dụng 10% là không thể đáp ứng.
Giám đốc khối khách hàng cá nhân một ngân hàng cổ phần chia sẻ: gần đây room tín dụng hạn hẹp nên dù ngân hàng có vốn nhưng khó cho vay ra do chạm trần tăng trưởng tín dụng. Do vậy gần đây các ngân hàng lớn không tăng thêm lãi suất huy động nữa do bí đầu ra. Chỉ có một số ngân hàng quy mô nhỏ tăng lãi suất huy động để giữ khách.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Quốc Hùng – tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng – cho biết nhu cầu vốn hiện nay rất lớn. Trước đây cần 10 đồng để mua nguyên liệu, giá cả nguyên liệu tăng cao nên doanh nghiệp cần vốn nhiều hơn. Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần cân đối mức lạm phát để đưa ra ngưỡng tăng trưởng tín dụng hợp lý.
Mới đây Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành công văn 3516 về tăng trưởng tín dụng. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết căn cứ tình hình kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tài chính tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng tiếp tục thực hiện theo chủ trương tăng trưởng tín dụng năm 2022 đã được thông báo.
Theo tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần, như vậy có nghĩa Ngân hàng Nhà nước chưa nới room, nhưng các ngân hàng được dùng hết room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã cấp trong năm nay. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều ngân hàng đã dùng gần hết room đã cấp của cả năm nay. Do vậy vốn tín dụng vẫn cứ khan khi nhu cầu vay vốn cho vụ mùa cuối năm đang cao.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay chuyện room tín dụng eo hẹp, không phải Ngân hàng Nhà nước không biết.
“Ngay từ khi phân bổ hạn mức tín dụng của kỳ đầu tiên năm nay, Ngân hàng Nhà nước xác định tốc độ tăng tín dụng năm nay sẽ cao hơn năm trước rất nhiều khi mà nền kinh tế khôi phục. Nhưng tăng đến mức độ nào để giải quyết đồng thời hai mục tiêu là kiểm soát lạm phát và tăng trưởng kinh tế. Do đó room tín dụng phải được giải quyết hài hòa, thỏa đáng. Nguy cơ lạm phát đang hiện hữu”, ông Tú nhấn mạnh.
Tín dụng hết tháng 5 tăng hơn 8%
Bà Nguyễn Thị Hồng, thống đốc Ngân hàng Nhà nước, vừa gửi báo cáo tới các đại biểu Quốc hội một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn sẽ diễn ra trong tuần này. Theo báo cáo, đến ngày 31-5, tín dụng đã tăng hơn 8% so với cuối năm 2021 và tăng 16,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong báo cáo, bà Hồng cũng trình bày tính đến tháng 4, tổng cho vay lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng đạt 2,2 triệu tỉ đồng, tăng tới 10,1% so với cuối năm 2021, chiếm 20,4% trong tổng dư nợ đối với nền kinh tế và tỉ lệ nợ xấu là 1,6%.
Với chứng khoán, cho vay để đầu tư, kinh doanh chứng khoán chiếm khoảng 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế (khoảng 550.000 tỉ đồng – PV). Số dư đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 4 là 320.000 tỉ đồng, chiếm 2,8% tổng dư nợ tín dụng.
Tới đây Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giám sát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ, chất lượng tín dụng với lĩnh vực chứng khoán và bất động sản…
2,288 triệu tỉ đồng
Đó là tổng cho vay lĩnh vực bất động sản của các tổ chức tín dụng, tính đến tháng 4-2022
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng từ chối hỗ trợ lãi suất 2% phải thông báo cho khách hàng
Nhu cầu tham gia gói hỗ trợ lãi suất được dự báo sẽ rất cao – Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Đó là yêu cầu trong văn bản Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM gửi tổng giám đốc các ngân hàng thương mại về triển khai thông tư 03 của Ngân hàng Nhà nước.
Các ngân hàng được yêu cầu phải xây dựng và ban hành văn bản hướng dẫn, tổ chức triển khai hỗ trợ lãi suất theo quy định; đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước trong 2 năm; hỗ trợ khách hàng nhanh chóng, kịp thời, đúng đối tượng và đúng quy định…
Ngoài ra phải bảo đảm tư vấn và hỗ trợ nhanh chóng, đúng đối tượng, trường hợp từ chối phải có văn bản thông báo cho khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cũng yêu cầu các ngân hàng kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay theo đúng mục đích sử dụng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Đồng thời báo cáo kịp thờiNgân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM để tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền phối hợp trong công tác thu hồi số tiền đã hỗ trợ khi có phát sinh.
Các ngân hàng cũng phải công bố đầy đủ thông tin về các quy định và hướng dẫn hồ sơ, thủ tục đối với chính sách hỗ trợ lãi suất của ngân hàng để khách hàng tiếp cận thuận lợi và nhanh chóng. Đồng thời phải công bố công khai trên cổng thông tin điện tử của ngân hàng thời điểm dừng hỗ trợ lãi suất…
A.HỒNG
Nguồn: tuoitre.vn