Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) đang xin ý kiến cổ đông đưa các khoản nợ xấu 2.553 tỷ đồng ra khỏi báo cáo tài chính năm 2021 để theo dõi ngoại bảng.
Trong danh sách nợ khó đòi có một số khoản hơn 400 tỷ đồng, còn lại phổ biến từ vài trăm triệu đồng đến dưới 10 tỷ đồng.
Các khoản nợ này đều đã trích lập dự phòng nên khi điều chỉnh sẽ làm giảm khoản “dự phòng phải thu ngắn hạn và dài hạn khó đòi”. Tuy nhiên, ban lãnh đạo Ocean Group khẳng định điều này không ảnh hưởng đến quá trình thu hồi công nợ và quyền lợi của công ty.
Lý giải về đề xuất theo dõi ngoại bảng, ban lãnh đạo Ocean Group cho biết các khoản nợ này phát sinh từ năm 2014 và liên quan đến thời kỳ lãnh đạo cũ, pháp lý phức tạp, không có tài sản đảm bảo và khó thu hồi.
Trước giai đoạn 2014, Ocean Group là một tập đoàn đa ngành tầm cỡ, cổ phiếu có giai đoạn được xem là bluechip trên thị trường và gắn liền với ông Hà Văn Thắm. Vốn điều lệ của công ty tăng nóng từ 10 tỷ đồng vào năm 2007 lên 3.000 tỷ đồng sau đó bốn năm. Tổng tài sản có năm đạt trên 11.000 tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.
Sau khi ông Thắm vướng vòng lao lý, công ty rơi vào khó khăn chồng chất khi có năm lỗ hơn 2.500 tỷ đồng. Tranh cãi về quyền cổ đông của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (công ty có liên quan đến ông Thắm), mâu thuẫn trong ban điều hành cùng hàng loạt vấn đề liên quan đến hoạt động kinh doanh khiến doanh nghiệp này nhiều năm qua vẫn chìm trong khủng hoảng.
Trước khi công bố phương án xử lý nợ xấu, công ty đã xóa một số khoản nợ cho các cá nhân đang thi hành án và tìm đối tác bán nợ nhưng không hiệu quả. Điển hình như hồi cuối tháng 5/2022, công ty thông báo bán đấu giá 7 khoản nợ xấu với mức khỏi điểm chỉ khoảng 10% giá trị dư nợ gốc (1.072 tỷ đồng) nhưng không có đối tác quan tâm.
Do rà soát, kiểm toán số liệu và thực hiện thủ tục bán các khoản nợ này nên Ocean Group đến nay vẫn chưa lập và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021. Điều này dẫn đến việc cổ phiếu của công ty mới bị Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM chuyển từ diện kiểm soát sang hạn chế giao dịch. Theo đó, từ ngày 9/6, cổ phiếu này chỉ được giao dịch vào buổi chiều bằng phương thức khớp lệnh và thỏa thuận.
Ban lãnh đạo công ty cho rằng việc xóa nợ xấu ra khỏi báo cáo tài chính để theo dõi riêng là động thái cần thiết, làm cơ sở để lập và phát hành báo cáo tài chính kiểm toán theo quy định. Từ đó, công ty sẽ khắc phục được tình trạng cổ phiếu bị hạn chế giao dịch.
Phương Đông
Nguồn: vnexpress.net