Kỳ điều chỉnh giá xăng dầu ngày 21-2 đứng trước áp lực tăng giá mạnh và có thể thiết lập mức kỷ lục khi quỹ bình ổn đang cạn dần.
Người dân đổ xăng tại một cửa hàng ở quận Gò Vấp, TP.HCM – Ảnh: NHẬT THỊNH
Với công cụ thuế, phí, các bộ có thể điều hành giá xăng dầu không tăng quá nóng. Bộ Công thương nói gì?
Bộ Công thương đánh giá rằng thị trường xăng dầu thế giới đang tiếp tục biến động hướng tăng giá, cộng thêm nguồn cung khan hiếm do ảnh hưởng căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine, lạm phát tăng cao tại nhiều nước lớn như Mỹ, Trung Quốc…
Giá có thể tăng thêm 1.000 đồng/lít
Về giá xăng dầu thành phẩm, theo dữ liệu được Bộ Công thương cập nhật đến ngày 17-2, xăng RON92 để pha chế xăng E5RON92 là 107,26 USD/thùng; xăng RON95 là 109,73 USD/thùng; dầu hỏa là 105,18 USD/thùng; dầu diesel là 109,37 USD/thùng. Như vậy, mức giá này tăng tiếp 6 – 7% so với kỳ điều hành trước đó ngày 11-2.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, giá bán lẻ dù đã được điều chỉnh tăng ngày 11-2 nhưng vẫn thấp hơn giá cơ sở (gồm giá thế giới cũng như nguồn sản xuất trong nước cộng thuế, phí, lợi nhuận định mức…).
Cụ thể, mức chênh lệch giá hiện nay lên tới khoảng 1.000 đồng/lít với các mặt hàng xăng và từ 600 – 800 đồng/lít với các mặt hàng dầu. Như vậy, giá bán lẻ trong kỳ điều hành ngày 21-2 dự kiến phải tăng thêm từ 800 – 1.000 đồng/lít xăng dầu thì mới có thể bù đắp được mức chênh lệch giá hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Tiu – chủ tịch HĐQT Công ty xăng dầu Tự Lực I, một thương nhân phân phối tại Hà Nội – cho hay mức chiết khấu từ sau kỳ điều chỉnh giá ngày 11-2 vẫn rất thấp.
Do đó, khi hàng về đến các cửa hàng bán lẻ chỉ đủ bù đắp chi phí vận chuyển, nên giá nhập vào bằng hoặc thậm chí là cao hơn giá bán lẻ, doanh nghiệp chịu lỗ các chi phí khác từ 600 – 800 đồng/lít. “Đầu mối hiện nay cũng không bán thoải mái nên không thể mua được hàng để bán”, ông Tiu nói.
Một lãnh đạo doanh nghiệp đầu mối xăng dầu có thị phần tầm trung tại TP.HCM cho hay doanh nghiệp này vừa đấu thầu 5 lô hàng tại Hàn Quốc nhưng đều trượt thầu vì nguồn hàng khan hiếm và giá cao.
Với một số lô trước đó trúng thầu, giá nhập về gấp 3 lần bình thường nên tạo áp lực lớn, buộc phải giảm chiết khấu cho đại lý, nhà phân phối. Do đó, nếu không có cơ chế điều hành linh hoạt giá, để mỗi lít bán ra lỗ từ 500 – 600 đồng/lít, doanh nghiệp khó mạnh dạn tạo nguồn từ nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp cũng đã âm quỹ bình ổn, khiến cho công cụ điều hành quan trọng này không còn nhiều dư địa bình ổn giá. Trong đó, hai doanh nghiệp chiếm thị phần xăng dầu lớn nhất là Petrolimex và PVOil đã âm lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Nếu để giá tăng cao quá sẽ làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách hỗ trợ đang áp dụng để phục hồi tổng thể kinh tế… Các chính sách thuế phí với xăng dầu cần rõ nét hơn.
Ông TRẦN DUY ĐÔNG, VỤ TRƯỞNG VỤ THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC, BỘ CÔNG THƯƠNG
Chính sách thuế phí cần rõ nét hơn
Ông Trần Duy Đông – vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương – cho hay khi quỹ bình ổn có hạn thì phải tính toán đến các phương án điều hành linh hoạt hơn, đặc biệt trong trường hợp diễn biến giá quá cao và phức tạp, trên 100 USD/thùng, chắc chắn phải sử dụng các công cụ khác như thuế, phí.
“Nếu để giá tăng cao quá sẽ làm vô hiệu hóa một số công cụ, chính sách hỗ trợ đang áp dụng để phục hồi tổng thể kinh tế, đó là công cụ thuế, phí mà nhiều năm chúng tôi đã kiến nghị như việc giảm thuế môi trường với xăng sinh học, các khoản phí phù hợp. Các chính sách thuế phí với xăng dầu cần rõ nét hơn”, ông Đông đề nghị.
Trên cơ sở báo cáo Chính phủ và được đồng ý về thời điểm điều hành giá linh hoạt hơn, ông Đông cho biết sẽ phối hợp chặt với Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính để điều hành giá xăng dầu. Trong đó, phương án điều hành thời gian tới sẽ để ngỏ thời điểm điều hành. Bộ Công thương sẽ lựa chọn cho phù hợp, đảm bảo sát hơn với thị trường, tạo nguồn, đỡ gây áp lực cho doanh nghiệp.
Ông Đông nhấn mạnh sẽ làm nghiêm để yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về dự trữ, bán hàng và không có tâm lý găm hàng, hay là hạn chế bán ra.
Giá thép, xăng dầu tăng tác động lớn lên lạm phát
Thép xây dựng, xăng dầu tăng giá mạnh ngay trong những tháng đầu năm khiến nhiều chuyên gia lo ngại lạm phát sẽ tăng khó kiểm soát.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSa), giữa tháng 2 năm nay, các nhà máy trên cả nước đã điều chỉnh tăng giá bán thép thành phẩm. Giá thép xây dựng trên thị trường hiện nay khoảng 17 triệu đồng/tấn. Trong đó, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên vừa thông báo giá mỗi tấn thép cuộn CB240 áp dụng từ ngày 12-2 là 17,3 – 17,4 triệu đồng/tấn.
Tương tự, các công ty Thép Hòa Phát Hưng Yên, Thép Việt Đức… cũng vừa tăng giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2-2022.
Ông Nguyễn Xuân Đa, chủ tịch VSa, cho biết tính trung bình giá thép thành phẩm trên thị trường giữa tháng 2 đã tăng khoảng 300.000 đồng/tấn so với tháng 1-2022. Dù tăng giá nhưng giá thép thành phẩm hiện chưa bằng mức đỉnh của năm 2021. VSa đang theo dõi, cập nhật biến động tình hình giá thép để báo cáo các bộ, ngành và Chính phủ có giải pháp điều tiết phù hợp.
Nguyên nhân của việc tăng giá thép, theo ông Đa, do Chính phủ thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, đẩy mạnh đầu tư công làm nhu cầu thép xây dựng tăng. Dù năng lực các nhà máy thép có thể đáp ứng nhưng khó đáp ứng ngay vì phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên liệu. Trong khi đó, sau Tết Nguyên đán chi phí sản xuất thép tăng mạnh, giá quặng, than Coke, thép phế liệu nhập khẩu đều tăng. (B.NGỌC)
Nguồn: tuoitre.vn