Đưa ra quyết định nghỉ việc là một thử thách, nhưng điều thực sự khó thường là nói với sếp. Bạn nên nói gì khi đối diện với họ?
Về cơ bản, nghỉ việc là một tình huống khó xử. Bởi lẽ, quyết định của bạn làm đảo lộn hiện trạng và khối lượng công việc của mọi người. Theo lý tưởng, chúng ta muốn sếp ủng hộ quyết định của mình và nói những điều như: “Tôi rất mừng cho bạn. Đây là bước tiếp theo tuyệt vời cho bạn – tất nhiên tôi hiểu điều đó”.
Nhưng ai cũng là con người và không phải lúc nào cũng phản ứng tích cực được. Nhiều nhân viên, ngay cả khi biết nghỉ việc là điều nên làm, vẫn cảm thấy lo lắng khi nói với sếp – và đặc biệt là cách xử lý nếu bị phản ứng theo cách tiêu cực.
Thông thường, có 5 phản ứng điển hình về cảm xúc mà người quản lý có thể có khi một nhân viên thông báo sẽ nghỉ việc. Hy vọng rằng sếp của bạn sẽ ủng hộ và khuyến khích. Nhưng để tự chuẩn bị cho trường hợp cần thiết, sau đây là những cách bạn có thể ứng xử trong từng trường hợp, giúp bạn không để lại dấu ấn xấu.
Nếu họ tức giận
Tùy thuộc vào trạng thái cảm xúc ngay tại thời điểm trò chuyện, người quản lý có thể thấy khó chịu ngay lập tức, hoặc thậm chí tức giận. Lý do, họ thấy bị phản bội, cũng như lo lắng cách họ sẽ xoay sở khối lượng công việc khi không có bạn. Những người không biết cách kiềm chế sự nóng nảy có khả năng bị kích động và xúc phạm bạn. Họ có thể nói: “Anh/chị không thể tin rằng em làm điều này sau khi đã hỗ trợ em đến như vậy”.
Thông thường, đây là phản ứng căng thẳng tạm thời và chúng sẽ giảm đi trong thời gian ngắn. Bạn cần tỏ ra ân cần, cho họ không gian xử lý vấn đề mới này và trấn an họ rằng bạn sẽ không bỏ rơi họ lúc khó khăn.
“Em biết đây là điều bất ngờ. Em rất biết ơn sự ủng hộ và động viên của anh/chị. Vị trí mới là cơ hội em nghĩ mình không thể bỏ qua, nhưng em muốn anh/chị biết rằng em dự định làm mọi thứ trong khả năng để giúp quá trình chuyển đổi này diễn ra suôn sẻ nhất có thể”, bạn có thể tham khảo nội dung này.
Nếu họ dè bỉu hoặc chỉ trích
Khi thấy bất an, sếp có thể đưa ra lời chỉ trích không cần thiết về kế hoạch tương lai của bạn. Họ có thể làm giảm sự hào hứng của bạn bằng cách chê bai sếp hoặc công ty mới. Họ có thể gọi đó là sai lầm, kiểu “không ai thích làm việc ở đấy” và “thương hiệu đó thực sự sa sút”.
Nếu bạn đang trong tình huống này, đừng cố tranh luận. Thay vào đó, hãy cố gắng thay đổi cuộc trò chuyện để giải quyết vấn đề này. Hãy dùng những lời với nội dung rằng bạn đánh giá cao sự quan tâm của sếp, nhưng đồng thời cho biết bạn hài lòng về quyết định của mình.
Nếu họ đưa ra lời đe dọa
Phản ứng khác là sếp có thể đe dọa bạn như kiểu sẽ khiến bạn không suôn sẻ trong sự nghiệp về sau. Ví dụ, khi nhận đơn xin nghỉ của bạn, họ phản ứng bằng cách liệt kê những điểm yếu của bạn và nói: “Tôi không biết liệu mình có thấy thoải mái khi giới thiệu em với bất kỳ ai mà tôi biết trong tương lai hay không”.
Trò chuyện về nghỉ việc không phải là lúc tranh luận hay đánh giá hiệu suất trong quá khứ, hay cố thay đổi suy nghĩ của ai đó về bạn. Nếu sếp đe dọa bạn, họ thực sự giúp bạn bằng cách cho bạn biết họ không phải là đồng minh của bạn. Bạn có thể nói: “Em hiểu rõ ý của sếp. Cám ơn đã cho em biết”, và sau đó nhanh chóng rời đi.
Nếu họ cố làm bạn xấu hổ hay tội lỗi
Một trong những hành động khó xử nhất là khi người quản lý khiến bạn thấy có lỗi về quyết định của mình. Một ví dụ của phản ứng này có thể là: “Em có biết anh/chị đã bảo vệ em biết bao nhiêu lần rồi không?”. Sau đó, sếp bạn sẽ thống kê lại những lần họ che chở bạn trước những mối đe dọa trong công ty.
Đặc biệt, nếu bạn có mối quan hệ thân thiết với sếp, bạn có thể cảm thấy tồi tệ vì cảm giác tội lỗi. “Em biết anh/chị đã hỗ trợ nhiều như thế nào. Em thực sự biết ơn mọi chuyện anh/chị đã làm cho em. Thật không dễ gì ra quyết định, nhưng em thực sự cảm thấy đây là thời điểm thích hợp để rời đi”, là những điều bạn có thể nói.
Nếu họ phản đối
Cuối cùng, cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi người quản lý hỏi bạn cần gì để không nghỉ việc. Hoặc họ nhắc đến khả năng đồng ý các đề nghị thăng tiến, tăng lương trước đây của bạn. Tất nhiên, đây không phải là phản ứng tiêu cực. Nhưng dù sao nó cũng sẽ khiến bạn thấy khó xử nếu hoàn toàn không chuẩn bị trước.
Vì vậy, trước khi thông báo xin nghỉ, bạn cần suy nghĩ kỹ về cách trả lời nếu rơi vào hoàn cảnh này. Bạn cũng cần xác định rõ có toàn tâm toàn ý muốn nghỉ hay nếu công ty cải thiện về đãi ngộ thì sẽ cân nhắc lại hay không.
Nếu chắc chắn muốn nghỉ, bạn có thể nói: “Em rất biết ơn đề nghị của sếp. Em thực sự đã suy nghĩ kỹ và tin chắc rời đi là lựa chọn đúng đắn. Nhưng em rất vui vì sếp đã hỏi như vậy”.
Còn nếu vẫn có khả năng nghĩ lại, hãy thử tham khảo cách này: “Em không dùng buổi trò chuyện này để tìm cách đạt được đề nghị có lợi. Em có ý định nhận công việc mới. Nhưng sự thật em rất thích làm việc ở đây và nếu công ty thực sự có thể đưa ra đề nghị giống như họ, em rất muốn ở lại”.
Nói với sếp về việc từ chức là một trong những cuộc trò chuyện khó khăn nhất mà chúng ta trải qua trong công ty, và rất khó đoán cách họ sẽ phản ứng trong thời điểm đó. Nhưng bằng cách xem xét các tình huống này và lập chiến lược trước, bạn có thể tăng khả năng ứng phó một cách uyển chuyển.
Phiên An (theo Harvard Business Review)
Nguồn: vnexpress.net