Bộ Công thương có quyết định rà soát lần 2 biện pháp chống bán phá giá nhôm nhập từ Trung Quốc; Hôm nay bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV; Xử phạt 6 nhãn hàng thực phẩm chức năng quảng cáo quá mức… là các tin đáng chú ý sáng nay.
Khu vực kết nối giữa đường vành đai 3 TP.HCM, đường cao tốc TP.HCM -Trung Lương và cao tốc Bến Lức – Long Thành tại tỉnh Long An – Ảnh: TỰ TRUNG
Hôm nay bế mạc kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV
Sau 19 ngày làm việc (từ 23-5 đến 16-6), kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên bế mạc vào chiều 16-6.
Trong phiên làm việc sáng nay 16-6, dự kiến Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một số nghị quyết quan trọng, trong đó có nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường vành đai 3 TP.HCM, vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội và 3 dự án đường cao tốc.
Trong phiên bế mạc buổi chiều, Quốc hội sẽ thông qua một số nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, nghị quyết kỳ họp thứ 3… Sau đó Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ phát biểu bế mạc kỳ họp. Phiên bế mạc được truyền hình và phát thanh trực tiếp.
Rà soát áp dụng biện pháp chống bán phá giá nhôm nhập từ Trung Quốc
Bộ Công thương có quyết định tiến hành rà soát việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá một số sản phẩm nhôm (nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình, đã hoặc chưa gia công thêm) nhập từ Trung Quốc, mã HS 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90…
Quyết định cũng cho biết trình tự, thủ tục rà soát thực hiện theo quy định pháp luật về phòng vệ thương mại của Việt Nam. Trước đó, Bộ Công thương đã yêu cầu rà soát biện pháp tương tự và tháng 4-2021 đã thông báo kết quả rà soát lần thứ nhất.
Được biết mức thuế chống bán phá giá hiện hành của Việt Nam là từ 4,39% đến 35,58%, tùy thuộc tên của nhà sản xuất/xuất khẩu. Mức thuế này được đăng công khai trên website của Cục Phòng vệ thương mại.
8 nhóm chuyên gia hoàn thiện dự thảo Luật đất đai sửa đổi
Bộ Tài nguyên và môi trường vừa có kế hoạch chi tiết về nhân lực và thời gian hoàn thiện dự thảo Luật đất đai sửa đổi, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10-2022.
Đại biểu đoàn Thái Bình phát biểu tại kỳ họp thứ 3 – Ảnh: Quochoi.vn
Theo đó, Bộ Tài nguyên và môi trường đã thành lập 8 nhóm chuyên gia phụ trách từng lĩnh vực lớn trong dự luật, gồm:
– Nhóm 1: Quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý đất đai; cơ cấu tổ chức, bộ máy làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, phân cấp quản lý nhà nước về đất đai;
– Nhóm 2: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; điều tra, đánh giá tài nguyên đất;
– Nhóm 3: Tài chính đất đai, giá đất; quản lý, sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
– Nhóm 4: Thu hồi đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, thống kê, kiểm kê đất đai;
Và các nhóm về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất; Nhóm tổng hợp, kết nối các khâu trong xây dựng dự luật…
Tháng 4 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất lùi thời hạn trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật đất đai sửa đổi từ kỳ họp thứ 3 sang kỳ họp thứ 4, xem xét, thông qua theo quy trình tại 3 kỳ họp Quốc hội (cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 và thứ 5, thông qua tại kỳ họp thứ 6).
Đây là dự án luật rất cấp thiết, cần phải ban hành sớm và đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV (tháng 5-2019), sau đó phải điều chỉnh nhiều lần thời gian trình Quốc hội xem xét dự luật.
Xử phạt hành chính 6 nhãn hàng thực phẩm chức năng
Cục An toàn thực phẩm vừa có thông báo đã xử phạt 6 nhãn hàng thực phẩm chức năng do vi phạm về quảng cáo (quảng cáo quá mức về tác dụng sản phẩm), vi phạm về điều kiện an toàn thực phẩm. Mức phạt từ 25-50 triệu đồng/nhãn hàng có vi phạm.
Trong tháng 4 và 5 vừa qua, Cục An toàn thực phẩm cũng đã xử phạt nhiều nhãn hàng vi phạm về quảng cáo sản phẩm, với mức phạt cao hơn nhưng công ty có sản phẩm vi phạm lại tiếp tục vi phạm chỉ sau vài ngày bị phạt.
Dịch sốt xuất huyết có nguy cơ bùng phát mạnh trong tháng 6-7
Báo cáo của các địa phương cho thấy đến ngày 12-6, cả nước đã ghi nhận hơn 52.200 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 29 trường hợp tử vong. Các chuyên gia dự báo dịch sốt xuất huyết có thể bùng phát mạnh trong tháng 6 và tháng 7-2022.
Bệnh nhi mắc sốt xuất huyết được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM – Ảnh: THU HIẾN
Tuy nhiên, việc phòng chống sốt xuất huyết đang gặp một số khó khăn. An Giang có số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm tăng 387% so với cùng kỳ và hiện gặp khó khăn lớn là thiếu hóa chất diệt muỗi.
Bình Dương có khoảng 4.200 ca (tăng 10% so với cùng kỳ), trong đó có 176 ca bệnh nặng (chiếm 4,1%). Bình Dương có 91 trạm y tế xã phường nhưng đang thiếu 550 biên chế tại trạm y tế xã, phường do nhân viên y tế nghỉ việc sau thời gian dài chống dịch COVID-19.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Nguồn: tuoitre.vn