Các quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro…
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc – Ảnh: Quochoi.vn
Sáng nay 13-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp cho ý kiến vào nội dung dự án Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, khi Luật kinh doanh bảo hiểm ra đời cách đây 20 năm, thị trường bảo hiểm còn non trẻ, cơ quan quản lý cũng mới thành lập, quy mô thị trường còn nhỏ, các sản phẩm, kênh phân phối chưa đa dạng.
“Đến nay, trước sự phát triển của thị trường và nhiều quy định pháp luật liên quan thay đổi, luật bộc lộ một số bất cập nhất định, không còn thống nhất, đồng bộ với quy định mới được sửa đổi, bổ sung tại Bộ luật dân sự, một số nội dung chưa có căn cứ áp dụng trong thực tiễn như thẩm quyền, quy trình xử lý doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính”, bộ trưởng Bộ Tài chính nói.
Ông cũng cho biết “việc áp dụng hoặc tích hợp công nghệ trong kinh doanh bảo hiểm; các yêu cầu về kiểm soát nội bộ, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập; sự liên kết giữa các cơ quan quản lý trong triển khai các chương trình bảo hiểm của Chính phủ…” cũng cần được bổ sung, sửa đổi các quy định cho phù hợp.
Trong khi đó, “một số quy định tại luật hiện hành chưa theo kịp với quốc tế như: quy định về phòng chống trục lợi bảo hiểm, rửa tiền, tài trợ khủng bố chưa đầy đủ; điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài còn hạn chế; mô hình quản lý tài chính lạc hậu; chưa có yêu cầu về quản trị rủi ro”.
Về các nội dung cụ thể đáng chú ý, dự thảo luật mở rộng đối tượng nhà đầu tư nước ngoài, cho phép các tập đoàn tài chính có hoạt động kinh doanh bảo hiểm; đơn giản điều kiện cho các doanh nghiệp bảo hiểm đã được cấp giấy phép tại Việt Nam muốn thành lập doanh nghiệp bảo hiểm mới; bổ sung việc đăng ký kinh doanh; cho phép doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm thuộc lĩnh vực bảo hiểm khác.
Dự luật cũng bổ sung yêu cầu công khai thông tin một cách toàn diện, bao gồm thông tin định tính và định lượng theo định kỳ, thường xuyên, bất thường nhằm tăng cường tính minh bạch và cạnh tranh lành mạnh của thị trường.
Cho ý kiến vào dự thảo luật, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo đối chiếu, so sánh với các quy định có liên quan của các đạo luật khác để bảo đảm tính đồng bộ. Các quy định cần hướng đến thị trường kinh doanh bảo hiểm lành mạnh, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển, phù hợp và tiệm cận với các quy định quốc tế hiện đại.
Đặc biệt, quy định của luật phải bảo đảm chặt chẽ quyền lợi của khách hàng tham gia bảo hiểm. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết ở Đồng Nai (nơi ông công tác trước đó – NV) xảy ra tình trạng tranh chấp phải ra tòa án, bởi nhiều trường hợp người tham gia bảo hiểm bị từ chối chi trả bảo hiểm bởi một số câu chữ mà khi ký hợp đồng họ không nhận thức hết được. Vì vậy, ông Cường đề nghị quy định hợp đồng mẫu.
“Khi sửa luật này thì có tạo ra cú hích cho thị trường phát triển hơn không? Tư duy phải là như vậy, chứ không phải chỉ sửa một vài chỗ vướng mắc. Tư duy kiến tạo là phải xem xét thị trường kinh doanh bảo hiểm trong mối tương quan với thị trường chứng khoán và các thị trường khác”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gợi ý.
Theo kế hoạch, dự án luật này sẽ được Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 2, cuối tháng 10 tới.
Trình bày trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định nội dung dự luật được sửa đổi nhằm “cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội”.
Nguồn: tuoitre.vn