Kết nối với Bộ Công Thương, FPT IS sẽ cung cấp xác thực hợp động điện tử đến doanh nghiệp, tổ chức trên cả nước trong thời gian tới.
Sáng ngày 16/6, Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam (CeCA) chính thức được công bố tại trụ sở Bộ Công Thương. FPT IS là một trong 6 đơn vị cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử, tham gia vào Trục phát triển này.
Ông Dương Dũng Triều, Chủ tịch Công ty TNHH Hệ thống Thông tin FPT (FPT IS) cho biết quy trình xác thực hợp đồng điện tử từ FPT.eContract và Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam đã hoàn thiện. Đơn vị sẽ đồng hành cùng Cục Thương mại điện tử và các đơn vị CeCA tham gia vào Trục phát triển một cách toàn diện, đầy đủ hệ sinh thái công nghệ phục vụ việc ký kết với FPT Cloud, các dịch vụ ký số từ xa remote signing, eKYC,…. “Hệ thống FPT.CeCA đã sẵn sàng cung cấp việc xác thực hợp đồng điện tử đến toàn bộ doanh nghiệp, tổ chức và các nhân trên cả nước”, ông Triều chia sẻ.
Từ 2019, FPT IS đã triển khai mô hình ký kết điện tử FPT.eContract tại Việt Nam ứng dụng cho tất cả các loại hợp đồng, tài liệu, văn bản với hơn 3.000 tổ chức và cá nhân đã và đang thực hiện ký kết trên nền tảng. FPT IS có hệ thống liên kết chứng thực tài liệu điện tử với Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam gọi là FPT.CeCA.
Nền tảng FPT.eContract cũng đã có sẵn chức năng lựa chọn hình thức chứng thực với dấu của Bộ Công Thương, để truyền mã nội dung thông tin qua hệ thống xác thực tài liệu điện tử FPT.CeCA kiểm tra và truyền lên Trục CeCA. Các ngân hàng, tài chính và các tổ chức đã có hệ thống ký kết điện tử muốn kiểm tra tính pháp lý cho nội dung hợp đồng, có thể thông qua FPT.CeCA để xác thực với dấu thời gian và chữ ký số của Bộ Công Thương.
Việc ra mắt Trục phát triển hợp đồng điện tử là một bước tiến trong việc thúc đẩy thương mại điện tử và ứng dụng chuyển đổi số trong hoạt động giao thương, kinh doanh tại Việt Nam. Tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhận định việc phát triển hợp đồng điện tử tại Việt Nam cần phải đáp ứng đủ các tiêu chí đóng vai trò xây dựng và phát triển thị trường ứng dụng thực tế, từ đó giúp doanh nghiệp quản lý hiệu quả, giảm thiểu được việc lãng phí giấy tờ, tiết kiệm thời gian và tạo môi trường điều hành chuyên nghiệp. Đặc biệt, việc này sẽ giúp kết nối các nền tảng công nghệ, các hạ tầng số tin cậy của Chính phủ đến các doanh nghiệp, tổ chức, người dùng thông qua các giao dịch thương mại.
Theo quy định, trong năm 2022, người dân, doanh nghiệp sẽ có thể sử dụng hợp đồng điện tử với chứng thực của các Tổ chức cấp dịch vụ chứng thực được công nhận bởi Bộ Công Thương. Cơ chế này nhằm hỗ trợ bên thứ ba như ngân hàng, kiểm toán, cơ quan giải quyết tranh chấp, cơ quan thuế… có thể kiểm tra được giá trị như bản gốc của hợp đồng điện tử.
Mỗi giao dịch hợp đồng điện tử sẽ được truyền qua các CeCA đến Trục phát triển hợp đồng điện tử Việt Nam, có gắn kèm với các quy chế về giải quyết tranh chấp, khiếu nại, xử lý các yếu tố phát sinh trong quá trình giao kết và thực thi hợp đồng. Điều này giúp cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, các bên thứ ba có một cơ quan trung gian đủ tin cậy để giải quyết các vấn đề phát sinh khi thực hiện giao kết, hợp đồng dưới dạng điện tử.
Hoài Phương
Nguồn: vnexpress.net