Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR) đặt mục tiêu doanh thu tăng 5%, trong khi lợi nhuận dự kiến đi ngang so với năm ngoái, đạt 5.340 tỷ đồng.
Lý giải về kế hoạch tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận không đồng nhất, ông Phạm Văn Thành – Thành viên Hội đồng quản trị Tập đoàn Cao su Việt Nam – cho biết nguyên nhân là có nhiều chi phí tăng mà không thể cắt giảm được như tiền lương, giá phân bón, điện, logistics… Hoạt động chính của công ty gồm 5 mảng, trong đó mảng cao su đóng góp hơn phân nửa lợi nhuận thì cũng chính là mảng bị tác động lớn nhất bởi bão giá.
Trong tờ trình đại hội đồng cổ đông ngày 17/6, ban lãnh đạo tập đoàn này liệt kê thêm hàng loạt thách thức đối với kế hoạch kinh doanh năm nay như giá bán mủ cao su có tín hiệu khởi sắc nhưng vẫn ở mức thấp; sản phẩm gỗ cao su bị cạnh tranh gay gắt; việc phát triển khu công nghiệp chưa thuận lợi về cơ chế thuê đất, giao đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất…
Ông Thành nói thêm, tập đoàn định hướng phát triển mạnh mảng khu công nghiệp chuyển đổi từ các vườn trồng cao su và dự kiến thu lãi rất lớn. Tuy nhiên, cơ chế liên quan đến đất đai chưa được tháo gỡ nên tập đoàn không đặt nặng chỉ tiêu cho mảng kinh doanh này.
“Nếu vướng mắc được gỡ, khả năng cao lợi nhuận sẽ vượt kế hoạch”, ông Thành nói.
Bên cạnh đó, tập đoàn này cũng lên kế hoạch bán cổ phiếu VRG, SIP nhưng thời điểm thị trường hiện tại không phù hợp nên chưa thực hiện ngay. Theo ông Thành, nguồn thu này thường đóng góp 15% nên kế hoạch lợi nhuận cũng phụ thuộc vào hoạt động trên.
Quý đầu năm, tập đoàn báo lãi trước thuế gần 1.500 tỷ đồng. Ban lãnh đạo công ty dự kiến kết quả quý II năm nay tương đương năm ngoái, tức khoảng 1.400 tỷ đồng và khả năng ghi nhận nhiều hơn trong nửa cuối năm.
Năm ngoái, tập đoàn này có doanh thu 28.350 tỷ đồng và lãi sau thuế 5.340 tỷ đồng, lần lượt vượt 5% và 17% so với kế hoạch. Cổ tức ban đầu là 6%, nhưng Hội đồng quản trị đề nghị chỉ chia 4,1% để phần còn lại trích quỹ đầu tư, phát triển một khu công nghiệp ở Tây Ninh.
Trên sàn chứng khoán, cổ phiếu GVR đóng cửa phiên cuối tuần ở mức 22.700 đồng, mất gần 40% so với đầu năm. Tuần này, cổ phiếu có ba phiên giảm, trong đó đến hai phiên mất hết biên độ và không có bên mua.
Phương Đông
Nguồn: vnexpress.net