Những thách thức về hạ tầng, bảo mật cũng như nâng cao nhận thức của người tiêu dùng trong sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt là vấn đề được nêu ra.
Ông Lê Minh Khái – bí thư Trung ương Đảng, phó thủ tướng Chính phủ – bắt tay bà Nguyễn Đức Thạch Diễm – tổng giám đốc Ngân hàng Sacombank – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bên lề hội thảo – triển lãm chủ đề ‘Chuyển đổi số để hướng tới xã hội không dùng tiền mặt’ do Báo Tuổi Trẻ phối hợp Ngân hàng Nhà nước tổ chức chiều 17-6, các nhà quản lý, chuyên gia đã hiến kế để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Nâng cao hạ tầng kỹ thuật, tuyên truyền cho người dùng và doanh nghiệp
Những năm vừa qua sự tác động của dịch COVID-19 thì chuyển đổi số trong ngành bán lẻ, tiêu dùng không tiền mặt là công cụ hỗ trợ cho ngành bán lẻ Việt Nam vượt qua đại dịch.
Bà Lê Việt Nga – phó vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công thương)
Thực tế chứng minh, qua 2 năm đại dịch vẫn có sự tăng trưởng trong lĩnh vực bán lẻ và 5 tháng đầu năm 2022 có tăng trưởng như trước khi đại dịch diễn ra.
Tuy vậy, để thúc đẩy tiêu dùng không tiền mặt thì phải có sự chung tay, đó là hạ tầng kỹ thuật số, doanh nghiệp cung ứng và người mua đều phải có kiến thức nhất định, có hạ tầng về kinh tế số để ứng dụng.
Đồng thời tuyên truyền rộng rãi, có chương trình giáo dục để người tiêu dùng, doanh nghiệp bán lẻ có kiến thức, kỹ năng, áp dụng thanh toán tiền mặt trở thành hoạt động thường xuyên, hàng ngày, hiệu quả và đảm bảo an toàn, bảo vệ người tiêu dùng.
Cùng với truyền thông, Bộ Công thương tổ chức nhiều khóa tập huấn cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và ngành hàng, tập huấn cho hệ thống phân phối bán lẻ để làm thế nào kết nối, đào tạo kỹ năng, làm nhiều hơn chương trình bán hàng không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử và bán lẻ.
Giải bài toán bảo mật trong thanh toán không dùng tiền mặt
Trong dịch COVID-19, đây là cách thanh toán không tiếp xúc trực tiếp. Người tiêu dùng có thể ở nhà hoặc bất cứ đâu để thanh toán dịch vụ mua hàng, đặt tour du lịch. Tuy vậy, thách thức với người tiêu dùng đó là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân, vì đã dùng phương thức này thì nhiều thông tin cá nhân của mình sẽ nắm giữ bởi các đối tác.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam
Do đó, không có bảo mật tốt thì sẽ ảnh hưởng đến quyền được bảo mật thông tin của người tiêu dùng. Nếu thông tin rơi vào tay kẻ xấu và bị lợi dụng thì có thể dẫn đến hậu quả mà người tiêu dùng không mong muốn.
Nhà nước đã ban hành hệ thống văn bản tạo hành lang pháp lý cho thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng cần hoàn chỉnh để “bịt” mọi kẽ hở, làm sao cho quản lý vừa thuận tiện, vừa chặt chẽ từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng tránh sơ hở, thiệt hại không mong muốn.
Tháo gỡ nút thắt về hạ tầng, nâng cao nhận thức người dùng
Ứng dụng không dùng tiền mặt là xu hướng, nhưng thách thức lớn đặt ra đó là cơ sở hạ tầng của chúng ta còn khó khăn, đặc biệt ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa thì rõ ràng các hệ thống internet, cơ sở hạ tầng chưa thực sự phát triển nên cản trở thanh toán không dùng tiền mặt.
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính
Chúng ta cũng đã phát triển nhiều hình thức khác nhau để vừa giảm thiểu tới mức tối đa thanh toán không dùng tiền mặt nhưng bảo mật của chúng ta không theo kịp, trở thành vấn đề quan trọng. Trong khi đó, sự phát triển của khoa học công nghệ rất mạnh mẽ, nhưng đi đôi với đó là tội phạm công nghệ tinh vi hơn.
Do đó, việc quản lý tài khoản, nâng cao nhận thức của người sử dụng rất quan trọng vì hầu hết vụ mất tiền thời gian vừa qua có liên đới tới người sử dụng. Ở đó, người sử dụng vô tình hoặc không hiểu biết mà để lộ lọt thông tin sẽ rất nguy hiểm.
Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân trong không dùng tiền mặt càng quan trọng. Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các doanh nghiệp kĩ thuật số đặc biệt là doanh nghiệp bảo mật kĩ thuật số.
Sẽ có thẻ đoàn viên tích hợp nhiều tính năng thanh toán không dùng tiền mặt
Qua nắm bắt, nhiều đoàn viên, lao động mong muốn được nhận lương hằng tháng qua thẻ vì nhanh chóng, đảm bảo an toàn, giảm bớt khâu kiểm đếm tiền lương… Công nhân có thể dùng các app để thanh toán hàng hóa, điện nước.
Ông Phan Văn Anh, phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng, liên thông trong quá trình giao dịch, thanh toán các dịch vụ trực tuyến còn cần cải thiện. Nên cần đẩy mạnh phát triển công nghệ nhận dạng cá nhân thông qua smartphone để thanh toán nhưng với điều kiện thủ tục thanh toán đơn giản, thao tác ngắn gọn.
Nhiều khi mọi người muốn sử dụng thanh toán không tiền mặt nhưng thao tác khó nên họ lại chuyển sang chi tiêu tiền mặt. Vấn đề ở đây là sự thuận tiện, dễ dàng trong quá trình giao dịch.
Chúng tôi đã liên hệ Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu dân cư để kết nối dữ liệu đoàn viên người lao động toàn quốc.
Theo đó, mỗi đoàn viên lao động có một thẻ đoàn viên gắn chip để lĩnh lương, dùng trong thanh toán hoặc chuyển thông tin từ đơn vị này sang đơn vị khác. Mặt trước là thẻ đoàn viên, mặt sau là thẻ ngân hàng.
Chúng tôi đã ký quy chế phối hợp với nhiều tập đoàn, tổng công ty về việc thẻ đoàn viên gắn với một app trên thiết bị thông minh.
Tới đây, khi đoàn viên mua hàng thì hệ thống giảm giá nhiều mặt hàng từ 5 -10%, có mặt hàng giảm đến 30%. Khi hệ thống hoàn thiện, người bán hàng có thể quẹt thẻ để thanh toán và giảm giá mua hàng cho người lao động.
Nguồn: tuoitre.vn