Doanh nghiệp bình ổn TP HCM cố trụ trước cơn bão giá

Chi phí đầu vào, giá nguyên liệu đang tăng 20-40% so với đầu năm nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn “gồng” để giữ giá vì sức mua yếu.

Giá xăng tăng vọt kéo theo cơn bão giá của hàng hóa trên thị trường. Từ đầu năm đến nay, bình quân nhiều hàng hóa đã tăng 20-40% giá so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nhóm dầu ăn, trứng, đường, sữa, thịt gia cầm… đã nhảy vọt lên mức kỷ lục trong nhiều năm qua.

Nhưng riêng nhóm hàng bình ổn vẫn phải giữ giá hoặc chỉ tăng nhẹ. Trong cả nước, TP HCM là địa phương được xem triển khai chương trình bình ổn giá hiệu quả nhất, với 40 doanh nghiệp tham gia của nhiều mặt hàng.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết “đang quay quắt” vì chi phí đầu vào tiếp tục leo theo giá xăng.

Ông Nguyễn Doãn San, Phó giám đốc Công ty TNHH Sàn Hà, cho biết từ đầu năm đến nay doanh nghiệp luôn kiểm soát tốt nhất mọi chi phí nhưng vẫn có thời điểm bị lỗ. Hơn tuần nay, cơn bão giá nguyên liệu tiếp tục bủa vây và khiến doanh nghiệp thêm khó.

“Các sản phẩm bình ổn thị trường của công ty như thịt gà, vịt, heo… đang có giá thấp hơn so với thị trường 20-30%. Với mức giá chênh lệch này doanh nghiệp khó có lời nhưng vẫn không dám điều chỉnh giá “, ông San nói.

Quầy thịt heo Vissan tại siêu thị Co.opmart ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.

Quầy thịt heo Vissan tại siêu thị Co.opmart ở TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần

Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn hơn 20 năm nay, ông Phan Văn Dũng – Phó tổng Giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) nói đang phải “thắt lưng buộc bụng”.

Vissan có 2 nhóm hàng đang tham gia bình ổn là thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến. Trong đó, nhóm thịt heo, theo ông Dũng, đang có giá thấp hơn thị trường 16%, đủ điều kiện để được điều chỉnh giá. Còn nhóm thực phẩm chế biến, giá đầu vào đã tăng 30-40% so với đầu năm nhưng doanh nghiệp cũng chỉ xin tăng 5-15% cho nhóm này từ 20/5.

Tương tự, mỗi hộp 10 quả trứng vịt – gà được tăng thêm 2.000 đồng nhưng theo các doanh nghiệp, mức giá trên vẫn thấp hơn so với thị trường 10%.

Theo khảo sát của VnExpress, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá heo hơi “đội” 16% lên 60.000 đồng một kg so với đầu năm. Trong khi đó, giá gà lông màu, gà công nghiệp đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng tăng sốc lên mốc kỷ lục mới cán mốc 33.000 đồng một lít, đẩy chi phí vận chuyển tăng cao. Bên cạnh đó, mức lương tối thiểu tăng thêm 6% từ 1/7 khiến nhóm doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thêm áp lực. Theo các doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm lợi nhuận của họ giảm mạnh so với cùng kỳ, có một vài nhóm hàng lợi nhuận đang âm.

Giá hàng hóa bình ổn đang thấp hơn rất nhiều so với thị trường nhưng doanh nghiệp tham gia chương trình này lại chung quan điểm là chưa thể xin điều chỉnh giá.

Nguyên nhân đẩy họ vào thế lưỡng nan là sức mua trên thị trường giảm mạnh. Ông Phan Văn Dũng cho hay, thống kê 5 tháng đầu năm cho thấy, doanh thu từ mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm 25% so với cùng kỳ. Mãi lực tiêu dùng của nhóm hàng khác cũng trên đà đi xuống do người dân thắt chặt chi tiêu.

“Chúng tôi vô cùng áp lực, giá hàng hóa bình ổn đang rất thấp nhưng không dám tăng vì sức mua trên thị trường quá yếu. Nếu điều chỉnh giá doanh nghiệp lo sẽ không kích cầu được hàng hóa”, ông Dũng bộc bạch.

Đồng quan điểm, ông Trương Trí Thiện – Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt cho rằng, giá trứng bình ổn dù được điều chỉnh vẫn thấp hơn thị trường khoảng 10% (tiêu chí của chương trình là chỉ cần thấp hơn 5%) nhưng các doanh nghiệp bình ổn sẽ cố gắng giữ giá trong thời điểm này.

Đồng cảm với doanh nghiệp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP HCM cho rằng các doanh nghiệp bình ổn đang rất nỗ lực giảm chi phí đầu vào. Họ đang tìm nhiều cách để giảm giá thành và giữ giá bán trước sức tiêu dùng trên thị trường còn thấp.

“Sức mua hiện nay của người dân và doanh nghiệp chưa mạnh như trước dịch, việc tăng giá có khả năng tác động ngược kéo sức mua giảm thêm. Do đó, thời điểm này TP HCM vẫn chưa có động thái tăng giá hàng bình ổn”, ông Vũ nói.

Sở Công Thương cho biết sẽ tiếp tục theo dõi tình hình cung – cầu, giá cả thị trường, tổ chức kết nối doanh nghiệp phân phối với các nguồn hàng hóa tại từng địa phương đồng thời triển khai các chương trình “Khuyến mại tập trung” nhằm đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, góp phần khôi phục và phát triển sản xuất – kinh doanh.

Chương trình bình ổn của TP HCM được thực hiện với 4 nhóm hàng gồm: lương thực, thực phẩm; hàng hóa phục vụ khai giảng; nhóm sữa; hàng phòng chống dịch. Đối với hàng hóa ngày thường, lượng hàng bình ổn chiếm từ 25% đến 33% nhu cầu thị trường. Với ngày Tết, lượng hàng bình ổn chiếm 25-45% nhu cầu thị trường, còn với giai đoạn phòng chống dịch lượng hàng lên tới 50%.

Theo quy định, với các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu giá bán thấp hơn giá thị trường tại thời điểm đăng ký giá ít nhất 5-10%. Với các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng, giá bán thấp hơn thị trường ít nhất 10-15%. Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào tăng hoặc giảm từ 5% trở lên doanh nghiệp được đăng ký thực hiện điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường với Sở Tài chính.

Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá gây khan hiếm giả tạo, doanh nghiệp tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường theo sự điều phối của Sở Công Thương.

Các doanh nghiệp tham gia sẽ được hỗ trợ quảng bá hình ảnh, ưu tiên vay vốn, được hỗ trợ xây dựng chuỗi cung ứng, lưu thông trong giờ cao điểm….

Thi Hà

Nguồn: vnexpress.net

Bài viết cùng chủ đề: