Doanh nghiệp đăng ký trước ngày 30/6 để sớm nhận được gói hỗ trợ kỹ thuật miễn phí của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC).
Tiếp nối đợt đăng ký nhận hỗ trợ thứ nhất của năm 2022 (18/1 – 31/3) với 400 doanh nghiệp tham gia, Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) vẫn đang mở cổng đăng ký cho các doanh nghiệp chưa tham gia các gói hỗ trợ miễn phí của dự án. Ngày 30/6, dự án sẽ tạm ngừng nhận đăng ký để xét duyệt các doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ đợt thứ 2.
Hỗ trợ theo nhu cầu doanh nghiệp
Doanh nghiệp có nhu cầu tham gia các gói hỗ trợ miễn phí của Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (USAID IPSC) có thể tiếp tục đăng ký từ nay đến hết 30/6. Đăng ký sau thời điểm này, doanh nghiệp sẽ tự động được chuyển sang đợt hỗ trợ thứ 3 (1/7-30/10) trong năm 2022.
Trước đó, đợt hỗ trợ thứ nhất đã kết thúc vào ngày 31/3, đã có 400 doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực đa dạng như công nghiệp chế biến và chế tạo, nông nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch, logistics…đăng ký tham gia các gói hỗ trợ của dự án.
Dự án tiếp tục mở đăng ký đợt thứ 3 từ ngày 1/7 – 30/10. Thông tin chi tiết tại đây |
Nội dung của từng gói hỗ trợ được thiết kế bám sát nhu cầu và thách thức của doanh nghiệp. Cụ thể, Gói thích ứng và tăng trưởng gồm các hỗ trợ cho doanh nghiệp duy trì và cải thiện hoạt động trong bối cảnh hậu Covid-19; Gói mở rộng thị trường nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đa dạng và tối ưu hóa kênh phân phối, xây dựng kế hoạch tiếp thị bán hàng; Gói nâng tầm giá trị Việt tập trung vào tăng cường giá trị Việt, tính độc đáo, riêng biệt của sản phẩm; Gói số hoá hoạt động giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất hoạt động, Gói nâng cao năng lực tài chính nhằm tái cấu trúc tài chính và giúp doanh nghiệp tiếp cận các sản phẩm, công cụ tài chính hiệu quả.
Bên cạnh đó, có 154 lượt doanh nghiệp đã đăng ký nhậnGói hỗ trợ cao cấp dành cho doanh nghiệp tiên phong. Đây là gói hỗ trợ “đo ni đóng giày” theo nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, hỗ trợ để doanh nghiệp có thể tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu “Made by Việt Nam” vươn ra chinh phục thị trường thế giới
Tư vấn 1-1 với chuyên gia
Từ đầu tháng 5, dự án đã cung cấp các chuyên gia để tập huấn chuyên sâu và tư vấn 1:1, hỗ trợ trực tiếp giải quyết các vấn đề theo nhu cầu của doanh nghiệp. Các khoá tập huấn đã được cung cấp gồm: Thương mại điện tử; Quản lý nguồn nhân lực linh hoạt; Tiếp cận nguồn vốn từ quỹ đầu tư, ngân hàng và công ty cho thuê tài chính…
Là một trong những hoạt động hỗ trợ nằm trong gói Mở rộng thị trường, Khóa tập huấn Thương mại điện tử đã cung cấp cho gần 100 doanh nghiệp đủ điều kiện nhận hỗ trợ. Theo khảo sát nhu cầu trước đào tạo của dự án, có đến 69% doanh nghiệp trả lời chưa từng lập kế hoạch thương mại điện tử trước đó.
Tham gia khóa đào tạo, các học viên được tiếp cận các nội dung mang tính thực tiễn như tối ưu hóa SEO, phân tích và đáp ứng nhu cầu khách hàng qua sản phẩm và chiến lược quảng cáo phù hợp, tối ưu hóa phễu bán hàng, thị trường ngách…
Khóa đào tạo cũng tập trung vào những nội dung thiết thực như phân loại và sáng tạo nội dung, tư duy thiết kế… nhằm thu hút khách hàng trên các cửa hàng trực tuyến. Người tham gia được đào tạo và thực hành những kỹ năng cần thiết trong ứng dụng thương mại điện tử. Các chuyên gia cũng trực tiếp đưa ra đánh giá và góp ý cho doanh nghiệp về logo, bao bì sản phẩm, cách quảng cáo sản phẩm… dựa trên chia sẻ của từng đại diện.
Bà Thu Phương, đại diện Vụn Art, tham gia khóa học chia sẻ: “Từ những sự tư vấn trực tiếp của của các chuyên gia, huấn luyện viên, chúng tôi biết cách kể lại những câu chuyện mang thông điệp riêng trên trang web của mình để khách hàng hiểu rõ hơn về doanh nghiệp và sản phẩm của chúng tôi.”
Bên cạnh đó, dự án cũng tổ chức nhiều chương trình đào tạo trực tiếp tại các tỉnh, thành, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp, hiệp hội địa phương trực tiếp tham gia và kết nối với chuyên gia đầu ngành. Đơn cử, tại hội thảo “Phòng tránh rủi ro trong thương mại quốc tế và dịch vụ logistics để nâng cao hiệu quả kinh doanh” tổ chức chiều 31/5 tại Hải Phòng, các doanh nghiệp đã được ông Ngô Khắc Lễ, Trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, và ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), trực tiếp tư vấn giải đáp các thắc mắc và vấn đề gặp phải trong kinh doanh.
Dự án tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) được thực hiện với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ quản. Với số vốn 36 triệu USD, IPSC hướng đến tăng cường năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp nhỏ và đang tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm các doanh nghiệp do phụ nữ và nhóm yếu thế làm chủ.
Dự án sẽ cung cấp các chuyên gia tư vấn hàng đầu Việt Nam và các công ty tư vấn phát triển doanh nghiệp uy tín trong nước và quốc tế nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh tăng trưởng và đưa sản phẩm mang thương hiệu Việt vươn ra thế giới.
Các doanh nghiệp Việt đáp ứng các điều kiện, gồm có không quá 500 lao động toàn thời gian và có doanh thu tăng trưởng 2 năm liên tiếp trong giai đoạn 2017-2021, là có thể đăng ký và lựa chọn gói hỗ trợ phù hợp cho tổ chức.
Chi tiết về các gói hỗ trợ của dự án tại đây.
Phong Vân
Nguồn: vnexpress.net