Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam dừng hoạt động chục năm nay, thua lỗ nhưng rao bán không ai mua… khiến Tổng công ty Giấy Việt Nam khó bảo toàn vốn.
Bộ Công Thương trong báo cáo giám sát tài chính năm 2021 các tổng công ty trực thuộc cho biết, Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco) hiện vẫn gặp nhiều khó khăn trong xử lý dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam – một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Theo báo cáo giám sát tài chính 2021 của Bộ Công Thương, Vinapaco có lãi, nhưng tỷ suất lợi nhuận trước thuế trên vốn chủ sở hữu thấp, chỉ 0,9% cho thấy hiệu quả sử dụng vốn kém.
Trong đó những tồn tại ở dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được đánh giá là có thể khiến Vinapaco bị giảm vốn lớn. Tại báo cáo tài chính của tổng công ty, đơn vị kiểm toán nhận xét “chưa có cơ sở rõ ràng để đánh giá về khả năng bảo toàn vốn của Vinapaco”.
Cụ thể, loạt chỉ số tài chính cho thấy Vinapaco gặp khó khăn về khả năng thanh toán nợ, như hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu (gồm dữ liệu của dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam) tại thời điểm 31/12/2021 là gần 2,99 lần. Nếu loại trừ dữ liệu từ dự án bột giấy Phương Nam, thì hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của Vinapaco là hơn 1 lần. Hệ số thanh toán nợ ngắn hạn là 1 lần, khả năng thanh toán nhanh thấp hơn 0,5 lần.
Đến nay việc quyết toán dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam vẫn chưa được hoàn thành dù Bộ Công Thương cách đây hơn 3 năm đã có văn bản gửi cấp có thẩm quyền đề nghị phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành với dự án này. Theo quy định về quyết toán dự án dùng vốn Nhà nước, hiện việc quyết toán dự án bột giấy Phương Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Tài chính.
Dự án này trước đây do Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Vận tải thuộc Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư, sau này được chuyển giao cho Tổng công ty Giấy Việt Nam (Vinapaco).
Năm 2008, dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam bắt đầu khó khăn về tài chính và đắp chiếu từ 2012 đến nay. Đây là một trong 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành công thương và được đánh giá là có tương lai mờ mịt nhất.
Vinapaco đã hai lần định giá toàn bộ tài sản cố định, hàng hoá tồn kho của dự án này để chuyển Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán, làm cơ sở bán đấu giá. Bộ Công Thương sau đó đã rao thanh lý tài sản nhà máy ba lần nhưng do vướng mắc của dự án này nên không có người mua.
Nợ phải trả của dự án bột giấy Phương Nam đến cuối năm 2020 là hơn 4.000 tỷ đồng. Trong khi chưa xử lý xong tài sản để trả nợ, Nhà máy bột giấy Phương Nam lại dính vào vụ kiện với PVcomBank. Theo đó, từ cuối năm 2019, PVcomBank khởi kiện Vinapaco, yêu cầu tòa giải quyết buộc tổng công ty này phải trả số tiền hơn 592 tỷ đồng, gần bằng nửa vốn điều lệ của Vinapaco (1.213 tỷ đồng).
Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam được xây dựng tại Long An, với vốn đầu tư ban đầu gần 1.490 tỷ đồng và tăng lên hơn 3.409 tỷ đồng sau khi bàn giao về Vinapaco. Tại báo cáo nợ công 2019 cho biết, Chính phủ đã tạm ứng cho Vinapaco từ Quỹ tích lũy trả nợ, số tiền 97 triệu USD để trả nợ cho dự án này.
Cũng theo báo cáo của Bộ Công Thương, Vinapaco còn gặp khó khăn khi hầu hết công ty con, công ty liên kết đều làm ăn thua lỗ, mất cân đối về tài chính. Công ty mẹ – Vinapaco có 1 công ty con và 7 công ty liên kết, trong đó công ty con có nhiều tồn tại về tài chính, mất cân đối về tài chính. Trong số này, một công ty liên kết thua lỗ nhiều năm, 1 công ty liên kết khác dừng hoạt động nhiều năm.
Chẳng hạn, Công ty TNHH MTV nguyên liệu giấy miền Nam có hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 31 lần, vượt 3 lần so với quy định. Nguyên nhân là vốn điều lệ của công ty này thấp, gần như 100% chi phí trồng rừng là đi vay. Tổng nợ tới cuối năm ngoái của công ty này gần 830 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả công ty mẹ – Vinapaco đến 31/12/2021 trên 328 tỷ đồng.
Việc duy trì sản xuất của doanh nghiệp này dựa phần lớn vào vốn vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam và vốn từ công ty mẹ – chủ đầu tư dự án vùng rừng nguyên liệu giấy Kon Tum. Lượng tiền công ty tạo ra không đủ để trả nợ đến hạn. Hiện Vinapaco vẫn phải thu xếp, hỗ trợ cho công ty này trả nợ.
Tại công ty cổ phần Giấy BBP, số vốn đầu tư mà Vinapaco rót vào là 52 tỷ đồng. Công ty BBP đã dừng hoạt động từ tháng 10/2015 do kinh doanh thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu. Hiện Vinapaco đứng trước nguy cơ phải trả nợ thay khoản vay tín dụng cho Công ty cổ phần Giấy BBP, số tiền 345 tỷ đồng (tương đương 15 triệu USD).
Một công ty liên kết khác của Vinapaco là Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Mai cũng liên tục thua lỗ. Năm 2021, công ty này lỗ hơn 74 tỷ đồng, mất cân đối, an toàn về tài chính. Công ty mẹ – Vinapaco đã trích lập dự phòng đầu tư tài chính dài hạn với doanh nghiệp này.
Hiện chỉ 2 công ty liên kết của Vinapaco, là Công ty cổ phần In Phúc Yên và Công ty cổ phần Sắn Sóc Sơn là kinh doanh có lãi năm 2021.
Nguồn: vnexpress.net