Lao động Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Nhật Bản; Đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra phòng chống và điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM; Thanh long tăng giá trở lại… là những tin đáng chú ý sáng nay.
Quận 8 đang là địa phương có 1.147 điểm nguy cơ sốt xuất huyết, trong đó có tới 1.014 điểm là nhà dân trữ nhiều nước sinh hoạt, có khả năng phát sinh sốt xuất huyết – Ảnh: LƯU DUYÊN
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kiểm tra phòng chống sốt xuất huyết tại TP.HCM
Hôm nay 27-6, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế kiểm tra thực tế công tác phòng chống và điều trị sốt xuất huyết tại TP.HCM.
Theo kế hoạch, đoàn sẽ kiểm tra công tác điều trị bệnh sốt xuất huyết tại 3 bệnh viện gồm Bệnh viện quận 8, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn sẽ có buổi làm việc với Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.HCM, Sở Y tế và các bệnh viện liên quan cùng bàn giải pháp phòng và khống chế dịch.
Theo Bộ Y tế, kể từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 63.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 35 trường hợp tử vong. Trong đó TP.HCM đang là điểm nóng khi có đến 9 ca tử vong (có 2 sản phụ và 2 học sinh).
Lao động Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang Nhật Bản
Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – thương binh và xã hội) cho biết tính đến giữa tháng 6-2022, có hơn 51.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, có trên 32.000 lao động đến Nhật Bản làm việc (khoảng 46% là nữ).
Thời gian qua, các thị trường hấp dẫn lao động Việt Nam là Đài Loan với 15.633 lao động, Hàn Quốc 1.209 lao động, Singapore 853 lao động…
Theo ông Nguyễn Gia Liêm – phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, năm 2022, chỉ tiêu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là 90.000. Các thị trường “trọng điểm” là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc với trên 90% chỉ tiêu, còn lại là thị trường Trung Đông, Đông Âu (Hungary, Ba Lan).
Sắp có tuyến xe buýt nối Việt Nam – Lào – Thái Lan
Chính phủ Thái Lan đang xúc tiến để mở tuyến xe buýt liên biên giới R12 kết nối với Lào và Việt Nam, theo Báo điện tử Chính phủ.
Cụ thể, tuyến buýt bắt đầu từ Nakhon Phanom (Thái Lan) đến Thakhek (Lào) và điểm cuối là Hà Tĩnh (Việt Nam) với lộ trình khoảng 300km. Điều đó có nghĩa là du khách chưa mất đến 1 ngày để thực hiện cuộc hành trình đi xuyên các điểm nổi tiếng.
Nếu kế hoạch thành công, du khách có thêm trải nghiệm mới mẻ, khác biệt so với hành trình truyền thống từ Việt Nam sang Lào và Thái Lan bằng xe khách hoặc máy bay.
TP.HCM sẽ phát triển giao thông xanh
Xe buýt điện D4 chạy tuyến Vinhomes Grand Park – bến xe buýt Sài Gòn từ ngày 9-3 hoạt động hiệu quả và đang được tính toán nhân rộng – Ảnh: CHÂU TUẤN
Đó là chia sẻ của ông Võ Khánh Hưng – phó giám đốc Sở Giao thông vận tải TP.HCM, sau khi khảo sát tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park – bến xe buýt Sài Gòn). Đây là tuyến buýt điện đầu tiên của TP.HCM có chiều dài 29km, thử nghiệm từ ngày 9-3.
Với thành công bước đầu của tuyến xe buýt điện D4, ông Hưng cho rằng sẽ là động lực cho việc phát triển mạng lưới giao thông đô thị thân thiện với môi trường. “An toàn, tiện lợi, chi phí thấp và giảm thải ô nhiễm môi trường là lý do mà người dân TP.HCM ngày càng chuộng sử dụng xe buýt điện”, ông Hưng nói.
Săn vé bay giờ sớm, tối giá mềm hơn
Giá vé máy bay đang tăng nhiệt từng ngày dịp hè nhưng vẫn có “chiêu” săn vé giá ưu đãi. Vietnam Airlines cho biết khách có thể lựa chọn các chuyến bay trong khoảng thời gian trước 6h và sau 21h cho hành trình Hà Nội – TP.HCM với giá 599.000 đồng/vé, tương đương 1,2 triệu đồng/vé bao gồm thuế phí. Thời gian mua vé từ nay đến cuối tháng 7 cho thời gian khởi hành từ 15-8 đến 31-12.
Theo khảo sát, vé máy bay chặng Hà Nội – TP.HCM giá thấp nhất trong giai đoạn hè đã lên mốc 2,6-3,2 triệu đồng/vé của Vietnam Airlines, còn Bamboo Airways và Vietjet dao động 2-2,5 triệu đồng/vé.
Hiện hành trình bay sáng sớm hoặc tối muộn không được nhiều khách hàng chọn do phải có mặt ở sân bay sáng sớm hay bay tối muộn dễ gặp tình trạng delay kéo dài.
Trước việc giá vé máy bay tăng rất cao, các hãng hàng không đưa lý do: nhu cầu đi lại cao, giá nhiên liệu đắt đỏ… Thống kê ngày 26-6, Tân Sơn Nhất khai thác 740 chuyến bay với gần 120.000 khách (cao hơn dịp lễ 30-4, chỉ thấp hơn giai đoạn cao điểm Tết 2022 từ 2.000-4.000 khách/ngày). Dự kiến lượng khách đi/đến sân bay Tân Sơn Nhất tiếp tục tăng trong vài ngày tới.
Trung Quốc “ăn” lại thanh long, giá tăng gần gấp đôi
Xử lý thanh long xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở Long An – Ảnh: N.TRÍ
Nhiều nhà vườn phía Nam cho biết giá thanh long ruột trắng bán ra tại vườn hiện trên dưới 22.000 đồng/kg, và ruột đỏ 13.000-17.000 đồng/kg tùy loại, tùy nơi, tăng gần gấp đôi so với mức thấp tháng trước đó.
Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh – chủ tịch Hiệp hội thanh long Long An, giá thanh long, đặc biệt thanh long ruột trắng, tăng mạnh chủ yếu do thời điểm này nguồn cung giảm và lượng xuất khẩu đã nhiều hơn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên – tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – cho biết Trung Quốc mở dần cửa khẩu nên lượng thanh long xuất đi thị trường này đã tăng 30-40% so với lúc thấp điểm đầu năm. Tuy nhiên, so với lúc ổn định (trước dịch COVID-19), hầu hết trái cây Việt Nam xuất qua Trung Quốc hiện vẫn còn khiêm tốn.
GIÁ VÀNG HÔM NAY
Nguồn: tuoitre.vn